JP Football - шаблон joomla Окна

Tóm tắt

GDTC trong các trường đại học có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt đối với việc đào tạo đội ngũ  cán bộ, cử nhân, kỹ sư, công nhân trẻ có trình độ chuyên môn cao, bên cạnh đó GDTC và hoạt động TDTT trong nhà trường có vai trò to lớn trong việc giáo dục lòng tự hào dân tộc, tinh thần tập thể, sự thẳng thắn và trung thực - những phẩm chất cần thiết của một con người góp phần giáo dục và đào tạo những chủ nhân tương lai phù hợp với nhu cầu đòi hỏi của xã hội.

Từ khóa: Tầm quan trọng, đào tạo, nguồn nhân lực, Trường Đại học Hà Tĩnh

Importance of gdtc in the future of human resources in Ha Tinh University

Absract                                                        

            GDTC in universities is very important in many aspects for the training of cadres, bachelors, engineers, young workers with high professional qualifications, besides GDTC and sports activities in The school plays a big role in educating the national pride, collective spirit, frankness and honesty - the qualities of a human being that contribute to educating and training future employers. in line with the demand of the society.
            Keywords: Importance, training, human resources, Ha Tinh University
I. ĐẶT VẤN ĐỀ

GDTC trong các trường đại học có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt đối với việc đào tạo đội ngũ  cán bộ, cử nhân, kỹ sư, công nhân trẻ có trình độ chuyên môn cao. Thực hiện đầy đủ các giờ học chính khóa và tích cực tham gia tập luyện TDTT ngoại khóa là điều kiện hết sức cần thiết để sinh viên  được phát triển cơ thể một cách hài hoà, bảo vệ và củng cố sức khoẻ, nhanh chóng thích nghi với những điều kiện hoạt động, học tập và nâng cao nghề nghiệp. Trong các giờ học thể dục và các hoạt động thể thao những phẩm chất ý trí như lòng dũng cảm, tính bạo dạn quyết đoán, kiên trì, tự kiềm chế… sẽ được hình thành và hoàn thiện. GDTC và hoạt động TDTT trong nhà trường có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục lòng tự hào dân tộc, tinh thần tập thể, sự thẳng thắn và trung thực- những phẩm chất cần thiết của một con người.

II. NỘI DUNG

Mục đích ý nghĩa của công tác GDTC trong việc giáo dục vào đào tạo  cho học sinh không nhằm giáo dục con người phát triển toàn diện, phát triển thể lực chung mà còn phát triển thể lực chuyên môn, đáp ứng nhu cầu đào tạo của từng nghề cụ thể. Nội dung cơ bản là giáo dục những năng lực thể chất theo yêu cầu chuyên môn và truyền thụ những kỹ năng kỹ xảo vận động quan trọng, cơ bản  cần thiết cho từng nghề, là một trong những nhân tố trực tiếp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường, góp phần rút ngắn được thời gian đào tạo, nâng cao năng lực cho sinh viên trong điều khiển những máy móc hiện đại, tinh vi, đòi hỏi những kỹ thuật phức tạp nhằm tăng năng suất lao động.

Công tác GDTC trong trường đại học - một bộ phận không thể tách rời của quá trình giáo dục trong nhà trường. GDTC đang cùng các hoạt động TDTT ngoại khoá góp phần tích cực, tạo nên cuộc sống vui tươi lành mạnh, hình thành nhân cách toàn diện, góp phần đào tạo những công nhân trẻ, có sức khoẻ, cương nghị, có khả năng lao động với hiệu quả và năng suất lao động cao, góp phần vào cuộc CNH – HĐH đất nước.

               Nhiệm vụ cơ bản của GDTC cho sinh viên  trong hệ thống các trường đại học bao gồm:

- Củng cố sức khoẻ cho học sinh, phát triển hài hoà và cân đối tất cả các hệ thống và chức năng của cơ thể, đạt tới khả năng làm việc cao và sự hoàn thiện về thể lực, hình thành những kỹ năng và kỹ xảo vận động cần thiết.

- Nâng cao mức độ thích ứng nghề nghiệp của sinh viên bằng các bài tập thể dục ứng dụng nghề nghiệp, hình thành và phát triển kiến thức, những kỹ năng và kỹ xảo chuyên môn, tạo điều kiện để nắm vững và nhanh chóng thích ứng nghề nghiệp.

- Giáo dục đạo đức và nhân cách phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa, sẵn sàng xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

- Tổ chức các hoạt động thể thao, đáp ứng nhu cầu vận động và vui chơi giải trí ngoài giờ học của học sinh, sinh viên.

Quan điểm về việc giải quyết các nhiệm vụ giáo dục, TDTT nói chung trong nhà trường thể hiện 2 mặt sau đây:

 Thứ nhất: GDTC là bộ phận hữu cơ của mục tiêu giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ trong nhà trường, là một phương tiện có hiệu quả để phát triển hài hoà và cân đối cơ thể và các tố chất thể lực của con người.

Thứ hai : GDTC trong nhà trường là một quá trình sư phạm, tác động tích cực đến việc giáo dục những phẩm chất chính trị - tư tưởng, đạo đức thẩm mỹ hình thành nhân cách cho học sinh.

Để nâng cao các tố chất thể lực và năng lực vận động cho sinh viên, giáo viên phải sử dụng đa dạng các bài tập thể chất với những hình thức và phương pháp khác nhau, sử dụng tất cả những tác động sư phạm, tâm lý - xã hội có liên quan đến việc tổ chức các giờ học thể thao, các trận thi đấu và các hình thức tập luyện khác…

Nội dung GDTC và phát triển thể lực cho sinh viên được lựa chọn trên cơ sở đặc điểm của nghề nghiệp. Mức độ phát triển thể lực và hoạt động nghề nghiệp của sinh viên có một mối quan hệ phụ thuộc vào đặc điểm của từng nghề cụ thể. Do vậy cần phải tiến hành các nội dung GDTC đáp ứng những đòi hỏi nêu trên. Đó là thể dục thực dụng nghề nghiệp nhằm hình thành cho học sinh những kiến thức chuyên môn, những kỹ năng kỹ xảo vận động và phẩm chất tâm lý cần thiết với hoạt động nghề nghiệp của họ.

Nội dung giáo dục thể dục thực dụng nghề nghiệp cho sinh viên được xây dựng trên cơ sở các tiêu chuẩn thể lực chung và đặc điểm nghề nghiệp mà sinh viên phải làm sau khi ra trường.  

Vì vậy việc xác định đúng đặc điểm của từng nghề (thí dụ luyện kim, đóng tàu, khai thác mỏ…), những loại hình tố chất thể lực (nhanh, mạnh, bền…) đáp ứng cho từng nghề đó là việc làm rất quan trọng đối với cán bộ quản lý, giáo viên TDTT trong các trường đại học để xây dựng một chương trình GDTC cho phù hợp nhằm nâng cao thể lực, sức khỏe và chất lượng đào tạo sinh viên.

Trong các trường đại học việc giáo dục những kỹ năng kỹ xảo nghề nghiệp là nhiệm vụ chuyên môn quan trọng. Những bài tập chuyên môn nhằm giáo dục những kỹ năng kỹ xảo nghề nghiệp, bao gồm những bài tập chuẩn bị có những yếu tố của các thao tác trong hoạt động nghề nghiệp gần giống động tác lao động và cơ chế tác động của chúng trong quá trình lao động. Dựa vào những đặc điểm và tính chất của hoạt động lao động các nhà khoa học sư phạm trong lĩnh vực thể dục thể thao đã sáng tạo ra nhiều phương tiện GDTC mới có hiệu quả, đó là hệ thống các bài tập chuẩn bị để hình thành những kỹ năng kỹ xảo nghề nghiệp cho người lao động.

Để hình thành và hoàn thiện những kỹ xảo vận động cho các nghề nghiệp khác nhau, trước hết người ta thường vận dụng các bài tập tự nhiên như: chạy, nhảy, ném, leo trèo… Các kỹ năng kỹ xảo được hình thành từ những bài tập tự nhiên vốn có của con người có ý nghĩa thực dụng trực tiếp, khi chúng ta sử dụng nó trong việc giáo dục những kỹ năng kỹ xảo nghề nghiệp, việc nắm vững những động tác này là những điều kiện cần thiết không thể thiếu được trong quá trình lao động, đảm bảo yếu tố an toàn và góp phần lao động có hiệu quả.

Đối với mọi ngành nghề khác nhau đều có những hệ thống các bài tập, động tác chuyên môn chuyên biệt phù hợp với đặc điểm và tính chất của nghề nghiệp để nhằm hoàn thiện kỹ xảo vận động và các phẩm chất chuyên môn của nghề đó, như khả năng thăng bằng, ổn định thần kinh, khả năng phản ứng nhanh, hợp lý trước các tình huống phức tạp luôn thay đổi; sự ổn định lý trí, tập trung tri giác, sự phối hợp khéo léo của động tác… Hệ thống các bài tập này có ý nghĩa trong việc hình thành và hoàn thiện những kỹ năng, kỹ xảo vân động chuyên môn cần thiết, trong các thao tác lao động trước những nhân tố và bất lợi của điều kiện ngoại cảnh gây nên trong quá trình lao động sản xuất.

Chuẩn bị các tố chất thể lực nghề nghiệp cho sinh viên là yêu cầu cần thiết và không thể thiếu được trong chương trình GDTC các trường đại học, nhằm trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả học tập, hình thành những năng lực và tố chất cần thiết cho sinh viên chuẩn bị sẵn sàng bứơc vào quá trình lao động nghề nghiệp sau này. Một trong những yếu tố quan trọng như đảm bảo thể lực phát triển toàn diện cho sinh viên mang tính chất hướng nghiệp là chuẩn bị thể lực chung rộng rãi bao gồm sức nhanh, sức mạnh, sức bền, sự khéo léo, mềm dẻo và những tố chất thể lực chuyên môn cần thiết cho nghề nghiệp.

Những nhân tố và điều kiện khách quan trong lao động của con người ảnh hưởng đến những quy luật hình thành cấu trúc của khả năng nghề nghiệp, nó có tác dụng và ảnh hưởng tốt đồng thời cũng có những nhân tố không thuận lợi gây nên bệnh nghề nghiệp, vv… Bởi vậy cần phải tiến hành nghiên cứu những đặc trưng của hoạt động và những điều kiện bên ngoài của hoạt động ấy. Đặc trưng đó có thể phân loại theo các nhóm nhỏ như sau:

  + Các loại vận động (nâng lên, hạ xuống, ấn, quay, đập…) và mức độ tham gia của các cơ quan vận động vào những công việc này (ngón tay, bàn tay, cẳng tay, cả hai tay, hai chân…).

  + Đặc tính không gian của động tác, biên độ động tác (nhỏ, vừa, lớn).

  + Đặc tính thời gian và không gian, thời gian phản ứng nhanh trước tín hiệu, vv…

  + Đặc điểm sức mạnh của động tác (mức độ dùng sức, chế độ dùng sức, mức gắng sức, động, tĩnh, lực).

  + Đặc điểm phối hợp vận động, sự phối hợp vận động về sức mạnh, tốc độ và những chỉ số về không gian (tính chính xác trong tái hiện và lặp lại động tác), tính nhịp nhàng của vận động đồng thời hoặc tuần tự của tay chân trong thao tác phối hợp vận động, sự phối hợp tri giác vận động, vv...

Căn cứ vào những đặc trưng hoạt động, điều kiện bên ngoài và sự biến đổi các chức năng, tâm, sinh lý trong quá trình lao động của nghề nghiệp, để sáng tạo ra những động tác, bài tập nhằm giáo dục vào hoàn thiện tố chất thể lực chung và thể  lực nghề nghiệp cho người lao động

Phát triển các tố chất thể lực chuyên môn nghề nghiệp được thực hiện trên nền tảng của chuẩn bị thể lực chung. Việc chuẩn bị thể lực chuyên môn cho các nghề nhằm trực tiếp nâng cao hiệu quả của việc học nghề, phát triển những năng lực thể chất nhằm đáp ứng yêu cầu chuyên môn của hoạt động nghề nghiệp, hoàn thiện kỹ năng kỹ xảo nghề nghiệp và nâng cao tính ổn định của cơ thể đối với những tác động của điều kiện trong hoạt động. Nên biết kết hợp tốt giữa quá trình học tập và chuẩn bị thể lực chuyên môn thì tốc độ nắm vững các thao tác lao động sẽ nhanh và tốt hơn rất nhiều. Ngược lại trình độ thể lực chuyên môn không đầy đủ sẽ không đáp ứng đựoc trình độ nâng cao tay nghề. Việc chuẩn bị tốt tố chất thể lực chuyên môn nghề nghiệp không chỉ nâng cao được chất lượng học tập, chuẩn bị đầy đủ những phẩm chất và thể lực cho người cán bộ tương lai mà còn rút ngắn được thời gian đào tạo, giảm nhẹ được chi phí trong đào tạo.

Nhiệm vụ chuẩn bị thể lực chuyên môn nghề nghiệp gồm:

  + Phát triển những năng lực thể chất nhằm đáp ứng các yêu cầu chuyên môn của hoạt động nghề nghiệp đã chọn.

  + Hình thành và hoàn thiện những kỹ năng kỹ xảo vận động cần thiết để nắm vững và thao tác tốt nghề nghiệp nhất định.

  + Nâng cao tính đề kháng của cơ thể trước những tác động bất lợi do điều kiện đặc thù của từng hoạt động nghề nghiệp gây ra.

  + Thông qua sự chuẩn bị thể lực chuyên môn, góp phần phát triển những phẩm chất về tâm lý, ý chí theo yêu cầu của nghề nghiệp.

Những nhiệm vụ trên đây phải được giải quyết kết hợp với nhiệm vụ giáo dục chung và giáo dưỡng nghề nghiệp và được cụ thể hoá với đặc điểm của nghề nghiệp.

Căn cứ vào ý nghĩa tác dụng và mục đích sử dụng các bài tập thể chất có thể phân loại một số phương tiện chuyên môn để phát triển thể lực nghề nghiệp như sau:

+ Nhóm bài tập trong điều kiện thiếu ôxy: chạy, bơi lặp lại nhiều lần với cự ly ngắn, leo núi, tập nín thở.

+ Nhóm bài tập chống nóng: tập chạy việt dã trong điều kiện trời nóng, nhiệt độ cao, hoặc mặc nhiều quần áo dài, hành quân cấp tốc, chơi các môn bóng với nhịp điệu và cường độ cao.

+ Nhóm các bài tập chống say, chóng mặt: những bài tập nhào lộn, thể dục dụng cụ quay trên xà đơn, lăng quay xà kép, tập trên những dụng cụ chuyên môn như bật lưới nhào lộn, quay vòng trong khung sắt tròn, đu quay, cầu nhảy, trượt, cầu thăng bằng ở độ cao khác nhau…

+ Nhóm những bài tập quá tải: gồm những bài tập nhằm tăng cường các cơ bụng và chân, tay, quay nhanh trên vòng quay, máy li tâm…

Môi trường và điều kiện bên ngoài là yếu tố tự nhiên có tác dụng nâng cao sức đề kháng của cơ thể và nâng cao được hiệu quả các bài tập chuyên môn, nếu chúng ta biết sử dụng nó trong việc kết hợp giữa rèn luyện thể lực với sử dụng các yếu tố môi trường, sẽ nâng cao được sức bền cơ thể và sức đề kháng của cơ thể đạt được hiệu quả rèn luyện cao nhất.

GDTC và chuẩn bị tố chất thể chất thể lực trong sinh viên các trường đại học được tiến hành thông qua các hình thức như: giờ học GDTC chính khoá, hoạt động TDTT ngoại khoá, tự tập và thông qua các hình thức thi đấu các môn thể thao…, thăm quan du lịch, dã ngoại…Trong đó hình thức cơ bản nhất vẫn là các giờ học GDTC chính khóa và hoạt động thể thao ngoại khóa.

+ Giờ học GDTC chính khoá: Là hình thức tập luyện cơ bản và phổ biến nhất của sinh viên. Nội dung chính là những bài tập phát triển chung và các bài tập phát triển tố chất thể lực chuyên môn (có ý nghĩa thực dụng trực tiếp cho từng nghề).

Các giờ lên lớp GDTC chính khoá là hình thức tập luyện có hiệu quả để chuẩn bị thể lực chuyên môn và có thể đặt ra nhiệm vụ và yêu cầu nhất định buộc sinh viên phải thực hiện dưới sự giám sát, hướng dẫn của giáo viên. Trong giờ học này phải có những bài tập mang tính chất chuyên môn hóa, các động tác thực dụng riêng biệt, các động tác có chủ đích chọn lọc đến những năng lực thể lực cần thiết. Những bài tập đó có ảnh hưởng lớn tới từng hệ thống chức năng của các cơ quan trong cơ thể đem lại hiệu quả cao đối với sự phát triển các hệ thống này.

+ Các buổi tập ngoại khoá và tự tập luyện.

Hình thức tập luyện ngoại khoá rất đa dạng: đây là hình thức tập luyện, góp phần không nhỏ vào việc chuẩn bị thể lực nghề nghiệp thường được tiến hành vào buổi sáng (gọi là thể dục buổi sáng), buổi tối và các thời gian dỗi khác. Nội dung của các loại bài tập này thường là các bài tập phát triển toàn diện. Thời gian tập luyện các loại bài tập này thường từ 20 đến 30 phút trong một buổi tập.

Ngoài ra còn có những buổi tập ngoại khoá sau giờ học chính khoá, hoặc các buổi chiều sau một ngày học tập nội dung hoạt động chủ yếu là các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, bóng bàn, bơi lội,v.v… Để phát triển và toàn diện khả năng thể lực chuyên môn cần thiết cho nghề nghiệp.

Ngoài các hình thức trên sinh viên còn cần phải tham gia các hoạt động thi đấu các môn thể thao được tổ chức thi đấu từ cấp trường đến toàn quốc, thông qua các hoạt động du lịch, dã ngoại, v.v… thông qua các hình thức trên biểu hiện các năng lực nghề nghiệp và hoàn thiện các kỹ năng kỹ xảo chuyên môn của người tập.

III. KẾT LUẬN

Từ những dẫn liệu vừa phân tích trên đây, có thể khẳng định rằng: GDTC cho sinh viên các trường đại học là một nội dung quan trọng có tính quyết định đến chất lượng đào tạo của nhà trường. Nội dung của GDTC trong các trường đại học phải được xây dựng trên cơ sở các bài tập phát triển chung và các bài tập phát triển chuyên môn, thực dụng, phù hợp với đặc điểm của từng nghề. hình thức của GDTC là giờ học môn thể dục và những hoạt động thể thao ngoại khóa được tổ chức trong môi trường tự nhiên. Nhiệm vụ quan trọng nhất của giáo viên TDTT trong các trường đại học là phải biết đặc điểm của từng nghề để nghiên cứu đưa ra các những bài tập thể  chất phù hợp với các giờ học thể dục bắt buộc, đồng thời phải tổ chức các hoạt động thể thao ngoại khóa ngoài giờ học đáp ứng  nhu cầu vui chơi giải trí và nhu cầu vận động của sinh viên.

IV. TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đồng Văn Triệu, Lê Anh Thơ (2000), Lý luận và phương pháp GDTC trong trường học, NXB TDTT, Hà Nội 

2. Nguyễn Đức Văn (1987), Phương pháp thống kê trong TDTT, NXB TDTT, Hà Nội. 

3. Nguyễn Toán - Phạm Danh Tốn. Lý luận và phương pháp TDTT - NXB TDTT - 2000. Đồng Văn Triệu, Lê Anh Thơ. Lý luận và phương pháp giáo dục thể chất trong trường học

            4. Nghiêm Đình Vỳ. Nguyễn Đắc Hưng. Phát triển Giáo dục và Đào tạo nhân tài - NXB chính trị quốc gia - 2002.