JP Football - шаблон joomla Окна

Th.s. Nguyễn Công Viên - Bộ môn GDTC Trường Đại học Hà Tĩnh

Study on the current status of exercise training needs for women aged 50-60 in Ha Tinh City

Tóm tắt

Trong thời đại ngày nay, việc duy trì sức khỏe và tăng cường vận động là một phần quan trọng của lối sống lành mạnh. Đặc biệt, đối với phụ nữ ở độ tuổi 50-60, việc duy trì một lối sống tích cực và thúc đẩy sức khỏe trở thành một ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, mặc dù lợi ích của việc tập luyện thể dục thể thao đã được chứng minh rõ ràng, thì thực trạng nhu cầu và sự tham gia của phụ nữ lứa tuổi này ở thành phố Hà Tĩnh vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. Nhằm mục đích hiểu rõ hơn về nhu cầu và tình hình thực tế của việc tập luyện thể dục thể thao đối với phụ nữ ở độ tuổi 50-60 ở thành phố Hà Tĩnh, nghiên cứu này sẽ tập trung vào việc khảo sát, phân tích và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định và sự tham gia của họ vào các hoạt động thể dục thể thao.

Từ khóa: Nghiên cứu, thực trạng, nhu cầu, phụ nữ, Thành phố Hà Tĩnh.

Abstract 

In this day and age, staying healthy and staying active is an important part of a healthy lifestyle. Especially for women aged 50-60, maintaining an active lifestyle and promoting health becomes a top priority. However, although the benefits of physical exercise have been clearly proven, the current status of the needs and participation of women of this age group in Ha Tinh city has not yet been assessed. full. Aiming to better understand the needs and actual situation of diabetes training for women aged 50-60 in Ha Tinh city, this study will focus on surveying, analyzing and evaluating Evaluate the factors that influence their decisions and participation in diabetes activities.

Keywords: Research, current situation, needs, women, Ha Tinh City.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ.

Thể dục thể thao đối với phụ nữ có một ý nghĩa xã hội rộng lớn, nó không những đáp ứng được nhu cầu ngày một tăng về hoạt động văn hóa thể thao đối với phụ nữ hiện nay mà còn hướng tới tương lai lâu dài của sự tồn tại và phát triển các nhu cầu đó, làm lành mạnh hóa sinh hoạt xã hội của con người, đảm bảo sự hoàn thiện trong phát triển, giải quyết một phần chức năng ảnh hưởng của thể dục thể thao đối với cuộc sống cá nhân và nhu cầu xã hội. Ở Việt Nam cũng như các nước khác, cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về tác dụng của thể dục thể thao đối với phụ nữ ở một số lĩnh vực tâm lý khác nhau, cho các đối tượng, lứa tuổi và địa phương khác nhau nhưng cho đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu về nhu cầu tập luyện thể dục thể thao của phụ nữ lứa tuổi 55-60. Với những suy nghĩ trên chúng tôi mạnh dạn nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu Thực trạng nhu cầu tập luyện thể dục thể thao đối với phụ nữ lứa tuổi 50-60 ở Thành phố Hà Tĩnh”.

2. PHƯƠNG PHÁP VÀ TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU

Quá trình nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: Phương pháp phân tích và tổng hợp tài liệu; Phương pháp phỏng vấn tọa đàm; Phương pháp điều tra xã hội học; Phương pháp toán học thống kê, Phương pháp điều tra xã hội học.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng sự tham gia tập luyện của phụ nữ.

Cùng với những thành công mà thể thao thành tích cao đã đạt được trong các năm vừa qua thì hoạt động thể dục thể thao quần chúng cũng đã có những bước phát triển vượt trội, điều này thể hiện rõ qua các chỉ số đánh giá sự phát triển thể dục thể thao quần chúng ngày một tăng.  Trong số những người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên thì lực lượng phụ nữ tham gia chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với nam giới. Tại các công viên, CLB, trên đường phố vào các buổi sáng sớm, chúng ta dễ dàng nhìn thấy đông đảo phụ nữ hăng say tập luyện thể dục dưỡng sinh, cầu lông, đi bộ, chạy… Số lượng các phòng tập thể dục thể thao tại các Câu lạc bộ, nhà văn hóa kể cả của tư nhân ngày càng tăng, nhằm đáp ứng cho nhu cầu rèn luyện nâng cao sức khoẻ và giữ gìn vóc dáng cân đối của rất nhiều phụ nữ. Nhằm đánh giá khách quan thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến phong trào tập luyện thể dục thể thao quần chúng phụ nữ tại Thành phố Hà Tĩnh.  

3.1.1. Thực trạng phong trào tập luyện thể dục thể thao của phụ nữ Thành phố Hà Tĩnh.

Thực trạng phong trào tập luyện thể dục thể thao của phụ nữ được xem xét theo các tiêu chí:

- Các môn thể thao được tập nhiều.

- Thời gian tập.

- Chi phí cho việc tập luyện.

- Hình thức tập luyện.

3.1.1.1. Các môn thể thao, thời gian, chi phí và hình thức tập luyện.

Phân tích kết quả thống kê (bảng 3.1) cho thấy trong số các môn thể thao được tổ chức tập luyện theo nhóm, lớp thì môn đi bộ được đa số phụ nữ ưu tiên chọn lựa (36.0) kế đến là thể dục buổi sáng (30.0%) thể dục nhịp điệu (12.3%)và thể dục thẩm mỹ là (10.3%)Các môn thể thao còn lại có tỷ lệ thấp hơn theo thứ tự lần lượt là thể dục dưỡng sinh môn thể thao khác,cầu lông, bơi lội, bóng bàn và quần vợt. Kết quả trên cho thấy các môn thể thao có tác dụng “khỏe, đẹp” như đi bộ, thể dục buổi sáng được nhiều phụ nữ quan tâm chọn lựa để tập luyện thường xuyên. Như vậy thời gian tập luyện trong một tuần của đa số phụ nữ Tp Hà Tĩnh như hiện nay là khá hợp lý.

Bảng 3.1. Hình thức, thời gian chi phí và môn thể thao tập luyện

 

Đặc điểm tập luyện

Nội dung

Tổng cộng

Hình thức tập luyện

Nhóm có lệ phí

150

(50%)

Nhóm miễn phí

100

(33,3%)

Cá nhân

50

(16,7%)

300

(100%)

Thời gian tập

(giờ/ tuần)

3 giờ

65

(21,6%)

3-6 giờ

190

(63,3%)

6-9 giờ

35

(11,6%)

Trên 9 giờ

20

(6,6%)

300

(100%)

Thời gian đã tập (tháng)

Dưới 3 tháng

45

(15,0%)

Trên 3 tháng

70

(23,3%)

Trên 6 tháng

160

(53,3%)

Trên 12 tháng

25

(8,3%)

300

(100%)

Mức chi phí/ tháng (đồng)

Dưới 50 ngàn

65

(21.6%)

50 – 100 ngàn

164

(54.7%)

100 – 200 ngàn

59

(19.7%)

Trên 200 ngàn

12

(4.0%)

300

(100%)

 

 

Môn thể thao đang tập luyện

Thể dục nhịp điệu

37

(12.3%)

Thể dục thẩm mỹ

31

(10.3%)

Chạy hoặc đi bộ

108

(36.0)

Thể dục buổi sang

90

(30.0%)

Thể dục dưỡng sinh

18

(6.0%)

300

(100%)

Cầu lông

11

(3.7)

Bơi lội

1

(0.3%)

Các môn khác

2

(0.6%)

Bóng bàn

1

(0.3%)

Quần vợt

1

(0.3%)

300

(100%)

Điều này cho thấy việc tổ chức tập luyện theo nhóm và có người hướng dẫn (thông qua việc nộp lệ phí) giúp việc tập luyện được chính xác, đúng phương pháp và đạt được hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu của đa số phụ nữ đang tham gia tập luyện. Các hình thức tập luyện theo nhóm và miễn phí hoặc theo hình thức cá nhân (tự tập) chiếm tỷ lệ thấp hơn.

3.1.1.2. Hiệu quả của việc tập luyện thể dục thể thao.

Bảng 3.2. Hiệu quả của việc tập luyện thể dục thể thao

STT

Hiệu quả của việc tập luyện

Số ý kiến

Tỷ lệ (%)

1

Sức khỏe tốt

102

34.0

2

Cơ thể gọn gàng

51

17.0

3

Giảm cân như mong muốn

34

11.3

4

Ăn ngủ tốt

27

9.0

5

Bệnh thuyên giảm

25

8.3

6

Giảm căng thẳng

20

6.7

7

Không thấy kết quả

10

3.3

8

Lạc quan hơn

10

3.3

9

Tự tin hơn

9

3.0

10

Làm việc tốt hơn

6

2.0

11

Ứng xử tốt hơn

5

1.7

12

Khác

1

0.3

 

Cộng

300

100%

Qua phân tích kết quả nghiên cứu (bảng 3.2), hầu hết những phụ nữ đang tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên cho biết đã đạt được những hiệu quả tích cực hơn về sức khỏe sau một thời gian tập luyện nhất định.

3.1.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia tập luyện thể dục thể thao của phụ nữ Tp Hà Tĩnh.

3.1.2.1. Khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia tập luyện thể dục thể thao của phụ nữ  Tp Hà Tĩnh.

Bảng 3.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia tập luyện thể dục thể thao

TT

Các yếu tố ảnh hưởng

Số ý kiến

Tỷ lệ %

1

Không có thời gian

72

24.0

2

Tốn kém

53

17.6

3

Chưa thấy có lợi ích

41

13.6

4

Ngại ngùng

32

10.6

5

Không có bạn cùng tập

31

10.3

6

Không thích

29

9.6

7

Không có người hướng dẫn

19

6.3

8

Xa nơi tập

15

5.0

9

Khác

7

2.3

10

Không được ủng hộ

1

0.3

 

Cộng

300

100

Kết quả phân tích cho thấy yếu tố “không có thời gian” để tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, được đa số phụ nữ cho là nguyên nhân chính làm hạn chế việc phụ nữ đến với thể dục thể thao thường xuyên (24.0%). Các yếu tố ảnh hưởng kế tiếp là do ngại “tốn kém chi phí” khi tham gia tập luyện (17.6%), “chưa  thấy ích lợi” của việc tập luyện (13.6%)và cảm thấy “ngại ngùng” khi tham gia tập luyện là 10.6%

Những yếu tố còn lại khác gây ảnh hưởng đến việc tập luyện thể dục thể thao thường xuyên của phụ nữ như: không có bạn cùng tập (10.3%) không thích (9.6%) do không có người hướng dẫn (6.3%) ở xa nơi tập (5.0%) ... chiếm tỷ lệ thấp hơn.

Phụ nữ ngày nay ngoài thời gian làm việc ở cơ quan đối với những người còn đang làm việc trong các cơ quan và những người đã về hưu nhưng tham gia các hoạt động ngoài xã hội, họ còn đóng vai trò chủ yếu trong việc nội trợ, chăm sóc con cái, gia đình… nên đối với họ, việc có ít thời gian để tham gia tập luyện Thể dục thể thao thường xuyên là điều dễ hiểu.

3.1.2.2. Mối liên hệ giữa các đặc điểm và các yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia tập luyện thể dục thể thao của phụ nữ quận nội thành Tp Hà Tĩnh.

Các yếu tố ảnh hưởng đã được trình bày ở trên. Vấn đề đặt ra là các đặc điểm như nghề nghiệp, tình trạng gia đình, của phụ nữ liệu có chi phối đến các yếu tố ảnh hưởng của họ? Để trả lời câu hỏi này mối quan hệ giữa các đặc điểm trên với các yếu tố ảnh hưởng đã được khảo sát.

a) Nghề nghiệp và các yếu tố ảnh hưởng.

Kết quả khảo sát cho thấy ở tất cả các nhóm nghề nghiệp khác nhau thì yếu tố “không có thời gian” để tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, đều chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các yếu tố làm hạn chế sự tham gia tập luyện thể dục thể thao của phụ nữ. Trong đó, các nhóm công chức nhà nước và liên doanh hoặc nước ngoài chiếm tỷ lệ cao nhất (40.5% và 44.8%), các nhóm kế tiếp là nhóm nghề nghiệp dịch vụ tư (31.9%) và nhóm nghề nghiệp khác (29.6%). Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy yếu tố ảnh hưởng tập luyện do “không có bạn cùng tập” chiếm tỷ lệ cao nhất ở nhóm đã nghỉ hưu (21.7%), kế tiếp là nhóm nghề nghiệp khác (14.8%) và nhòm công chức nhà nước (13.2%). Các nhóm còn lại có tỷ lệ thấp hơn là nhóm sản xuất dịch vụ tư (12.8%) và nhóm liên doanh nước ngoài (8.9%) cho thấy nhu cầu được trao đổi, chia sẻ tâm tư, tình cảm với bạn bè trong tập luyện là yếu tố ảnh hưởng khác quan trọng với nhóm đã nghỉ hưu trong việc họ tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.

Kết quả kiểm định mức ý nghĩa bằng kiểm định cho thấy những tỷ lệ khác biệt về các yếu tố ảnh hưởng ở các nhóm nghề nghiệp khác nhau có ý nghĩa thống kê (P < 0.05). Do đó, có thể nói rằng có mối liên hệ giữa các yếu tố ảnh hưởng và các nhóm nghề nghiệp khác nhau.

b) Tình trạng gia đình và các yếu tố ảnh hưởng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy với nhóm chưa có gia đình, các yếu tố ảnh hưởng như “không thích”, “chưa thấy ích lợi”, “tốn kém”, “ngại ngùng”, yếu tố “khác” có ảnh hưởng nhiều hơn nhóm đã có gia đình.Ngược lại, các yếu tố ảnh hưởng như “không có thời gian”, “không được ủng hộ” và “khác” chiếm tỷ lệ cao hơn ở nhóm chưa có gia đình. Ở nhóm phụ nữ đã có gia đình, ngoài những lo toan công việc ngoài xã hội họ còn phải đảm đương công việc nội trợ, chăm sóc gia đình. Vì vậy so với nhóm chưa có gia đình, họ bị hạn chế về thời gian để dành cho việc luyện tập THỂ DỤC THỂ THAO nhiều hơn. Đối với nhóm chưa có gia đình thì phần lớn vì lý do nào đó mà ở lứa tuổi này họ chưa có gia đình nên điều kiện kinh tế có khi còn bị hạn chế do đó việc e ngại “tốn kém” chi phí khi tập luyện cũng như cảm thấy “ngại ngùng” vì “không có người cùng tập” chiếm tỷ lệ cao hơn nhóm đã có gia đình cũng là điều hợp lý

Kết quả kiểm định cho thấy các tỷ lệ khác biệt của các yếu tố ảnh hưởng của hai nhóm có gia đình và chưa có gia đình có ý  nghĩa thống kê  (P < 0.05). Như vậy, có thể cho rằng có mối liên hệ giữa tình trạng gia đình và các yếu tố ảnh hưởng đến việc tập luyện thể dục thể thao thường xuyên của phụ nữ.

 3.2. Nhu cầu và các yếu tố chi phối nhu cầu tham gia tập luyện thể dục thể thao của phụ nữ Tp Hà Tĩnh.

Để nghiên cứu vấn đề này, đã tiến hành phỏng vấn trên một mẫu gồm 450 phụ nữ trong độ tuổi từ 50 đến 60 đang tham gia tập luyện các môn thể dục thể thao quần chúng tại các CLB, công viên, nhà văn hóa, cơ sở tập luyện thể dục thể thao…tại các Phường Thành phố Hà Tĩnh. Kết quả phỏng vấn thu về được 300 phiếu

3.2.1. Nhu cầu  tham gia tập luyện thể dục thể thao.

Nhu cầu hành động của con người nói chung và của hoạt động tập luyện thể dục thể thao nói riêng thông thường là một hệ thống bao gồm nhiều nhu cầu và những nhu cầu này có vị trí khác nhau, có nhu cầu chủ yếu và những nhu cầu thứ yếu. Nhu cầu vận động của phụ nữ cũng vậy, có khi cùng trong một hoạt động tập luyện thể dục thể thao của một phụ nữ lại do một số nhu cầu có tính chất khác nhau chi phối. Trong trường hợp trên, sự đấu tranh giữa các nhu cầu trong cùng một hoạt động vẫn thường xảy ra và phần lớn trong từng trường hợp cụ thể đều có một nhu cầu chiếm ưu thế. Trong nghiên cứu này, chúng tôi chỉ ghi nhận nhu cầu chủ yếu đối với mỗi người. Kết quả khảo sát cho thấy, nhu cầu tham gia tập luyện THỂ DỤC THỂ THAO của phụ nữ Thành phố Hà Tĩnh rất đa dạng, phổ biến nhất là 11 nhu cầu được trình bày ở bảng 3.4.

Bảng 3.4. Nhu cầu tham gia tập luyện thể dục thể thao của phụ nữ Thành phố Hà Tĩnh.

TT

NHU CẦU

SỐ Ý KIẾN

TỶ LỆ

(%)

1

Để củng cố và tăng cường sức khỏe

162

54.0

2

Để có cơ thể cân đối hài hòa

50

16.7

3

Để giảm cân, chống béo phì

32

10.7

4

Để chữa bệnh

22

7.3

5

Để tăng tuổi thọ

15

5.0

6

Để có cảm giác khoan khóai

10

3.3

7

Vì ham thích

6

2.0

8

Vì bị lôi kéo bởi những người khác

3

1.0

9

Vì muốn trở thành VĐV

0

0

10

Để làm gương cho con cháu

0

0

11

Vì đòi hỏi của công việc

0

0

Cộng

300

100%

Xếp ở các vị trí hàng đầu là các nhu cầu liên quan đến sức khỏe và vẻ đẹp:

- Để củng cố và tăng cường sức khỏe : 54.0%,

- Để có cơ thể cân đối hài hòa: 16.7%,

- Để giảm cân chống béo phì: 10.7%,

- Để chữa bệnh: 7.3%.  

- Để tăng tuổi thọ: 5.0%.

Những nhu cầu còn lại chiếm tỷ lệ rất thấp. Điều đó phản ánh một xu hướng rất đặc trưng của phụ nữ là bên cạnh vấn đề giữ gìn sức khỏe thì chăm lo đến vẻ đẹp là một trong những nhu cầu rất mạnh của phụ nữ.

3.2.2. Các yếu tố chi phối nhu cầu tập luyện thể dục thể thao của phụ nữ Thành phố Hà Tĩnh.

3.2.2.1. Quan hệ giữa yếu tố nghề nghiệp và nhu cầu tham gia tập luyện thể dục thể thao.

Nhu cầu nói chung và nhu cầu tập luyện thể dục thể thao nói riêng là một xu hướng tâm lý nên nó chịu sự chi phối của nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó phải kể đến các yếu tố: nghề nghiệp, tình trạng gia đình, lứa tuổi.

Kết quả phân tích cho thấy, ở những phụ nữ có nghề nghiệp khác nhau thì nhu cầu tham gia tập luyện thể dục thể thao cũng  có sự khác biệt. Nhu cầu tập luyện nhằm “củng cố và tăng cường sức khỏe” được hầu hết phụ nữ ở các nhóm nghề nghiệp khác nhau chọn lựa với tỷ lệ cao nhất, trong đó dẫn đầu là nhóm phụ nữ  liên doanh nước ngoài với tỷ lệ lựa chọn là 45.5%, kế đến là nhóm nghề nghiệp khác (43,9%), nhóm CCNN (43,5%), nhóm SX - DVT (33,3%) và  nhóm đã nghỉ hưu (33.3%). Ngoài ra, nhóm NNK còn có tỷ lệ chọn lựa cao ở các nhu cầu tham gia tập luyện nhằm “giảm cân, chống béo phì” (23.1%) và để chữa bệnh (7.8%).

3.2.2.3. Quan hệ giữa yếu tố tình trạng gia đình và nhu cầu tham  gia tập luyện thể dục thể thao.

Kết quả phân tích các số liệu cho thấy với nhu cầu tập luyện để “cơ thể cân đối hài hòa” được nhóm chưa có gia đình lựa chọn (26.5%) cao hơn nhóm đã có gia đình (15.0%). Ngược lại, đối với các động cơ tập luyện nhằm “giảm cân chống béo phì”(24.9%), “để chữa bệnh”(9.4%) và “tăng tuổi thọ” (9.0%) thì tỷ lệ lựa chọn của nhóm đã có gia đình cao hơn nhóm chưa có gia đình. Còn đối với động cơ tập luyện vì “sức khỏe” thì nhóm đã có gia đình (41.8%) cũng cao hơn nhóm chưa có gia đình (35.3%).  

Do đó, có thể nói rằng tình trạng gia đình (nhóm có gia đình và nhóm chưa có gia đình.) là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến nhu cầu tập luyện của phụ nữ. 

3. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

A. KẾT LUẬN.

Từ kết quả nghiên cứu cho phép rút ra những kết luận sau:

1. Thực trạng phong trào tập luyện THỂ DỤC THỂ THAO của phụ nữ TP. Hà Tĩnh có những đặc điểm như sau:

Phụ nữ ở lứa tuổi 50-60 hiện đang tập luyện ở nhiều mức độ khác nhau từ thường xuyên đến không thường xuyên.

Thời lượng tập luyện trung bình của phụ nữ TP. Hà Tĩnh từ 3-6 giờ mỗi tuần và lệ phí là từ 50.000 - 100.000 đồng mỗi tháng.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc tham gia tập luyện của phụ nữ. Trong đó, yếu tố “không có thời gian” được hầu hết phụ nữ cho là nguyên nhân chính làm hạn chế việc tham gia tập luyện thể dục thể thao.

2. Việc tập luyện thể dục thể thao quần chúng của phụ nữ trong độ tuổi từ 50 – 60 tuổi tại TP.Hà Tĩnh xuất phát từ nhiều nhu cầu  khác nhau, trong đó các nhu cầu để “khỏe, đẹp” được xem là những nhu cầu chủ yếu của đa số phụ nữ đang tham gia tập luyện.

Nhu cầu tập luyện của phụ nữ TP. Hà Tĩnh chịu sự chi phối của nhiều yếu tố như: nghề nghiệp, lứa tuổi, tình trạng gia đình…

3. Việc tham gia tập luyện thường xuyên các môn thể dục thể thao giúp cho cơ thể phụ nữ cải thịên nhiều chỉ số thể chất và tâm lý (sự ổn định tâm lý và tính hướng ngoại tăng). Tùy theo đặc thù của các môn thể dục thể thao mà ảnh hưởng của việc tập luyện đến các chỉ số thể chất và tâm lý có khác nhau.

Trong việc tập luyện các môn thể thao khác nhau như Thể dục nhịp điệu, Bơi lội, Cầu lông, Thể dục buổi sáng thì môn Bơi lội có ảnh hưởng khá toàn diện đến các chỉ số thể chất và tâm lý của phụ nữ.

B. KIẾN NGHỊ

1. Kích thích nhu cầu và thỏa mãn nhu cầu liên quan đến tập luyện thể dục thể thao của phụ nữ là một trong những yếu tố quan trọng góp phần phát triển quy mô và nâng cao chất lượng phong trào tập luyện Thể dục thể thao của phụ nữ TP.Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung. Do vậy, cần triển khai rộng rãi hơn nữa việc nghiên cứu về nhu cầu, động cơ tham gia tập luyện thể dục thể thao đa dạng của đông đảo phụ nữ

2. Các kết quả thu được qua nghiên cứu của đề tài (nhu cầu tập luyện, các yếu tố hạn chế, hiệu quả tập luyện…), có thể sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch, chương trình nhằm phát triển phong trào tập luyện thể dục thể thao quần chúng rộng rãi cho phụ nữ tại TP.Hà Tĩnh và các địa phương khác .

3. Đề tài có thể mở rộng hơn nữa theo hướng nghiên cứu sâu hơn mức độ ảnh hưởng của việc tập luyện các môn thể thao khác nhau, đối với các chức năng tâm thể của phụ nữ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

Dương Nghiệp Chí  (1991), Đo lường thể thao - NXB thể dục thể thao.

PGS.TS. Đồng Văn Triệu (chủ biên), TS. Trương Anh Tuấn (2015), Giáo trình Lý luận và phương pháp huấn luyện thể thao, Nxb Thể dục thể thao, Hà Nội.

 

TS. Hoàng Công Dân (chủ biên), PGS.TS. Trần Tuấn Hiếu; TS. Lê Anh Thơ; ThS. Đàm Tuấn Anh  (2017), Lý luận và phương pháp thể dục thể thao quần chúng, Nxb thể dục thể thao, Hà Nội.

 

TS. Nguyễn Cẩm Ninh (chủ biên),PGS.TS. Phạm Đình Bẩm, ThS. Đặng Đình Minh (2015), TS. Phạm Việt Hùng Giáo trình Quản lý thể dục thể thao, Nxb thể dục thể thao, Hà Nội.

 

Nguyễn Xuân Sinh (1999), Giáo trình phương pháp NCKH thể dục thể thao, Nxb thể dục thể thao, Hà Nội.