Tóm tắt
Đào tạo theo hệ thống tín chỉ xem người học là trung tâm của quá trình đào tạo. “Tín chỉ” là đơn vị căn bản để đo khối lượng kiến thức và đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Trường Đại học Hà Tĩnh sau quá trình chuyển đổi từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo tín chỉ đã đạt được những thành công nhất định, tuy nhiên vẫn gặp không ít những khó khăn trong quá trình chuyển đổi, đặc biệt trong đào tạo và giảng dạy môn GDTC.
Từ khóa: Hiệu quả, tín chỉ, sinh viên, đánh giá, Trường Đại học Hà Tĩnh.
Evaluation of educational efficiency training by Ha Tinh University Student
Absract
Raining under the credit system looks at the learner as the center of the training process. "Credits" are the basic unit for measuring the amount of knowledge and evaluating the learning outcomes of students. Ha Tinh University after the transition from the training to the credit training has achieved certain success, but still encountered many difficulties in the transition, especially in training and teach GDTC.
Keywords: Efficiency, credit, students, assessment, Ha Tinh University.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Nhằm đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu chuyển đổi từ việc thực hiện chương trình đào tạo theo hệ thống niên chế thành đào tạo theo hệ thống tín chỉ, bắt đầu từ năm học 2013 - đến nay, rất nhiều trường đại học trong cả nước đã áp dụng phương thức đào tạo theo tín chỉ, trong đó có trường đại học Hà Tĩnh. Sau 5 năm thực hiện việc chuyển đổi sang hình thức đào tạo mới, không nằm ngoài quy luật chung, “quá độ” từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo tín chỉ, bên cạnh những thuận lợi trường Đại học Hà Tĩnh cũng gặp không ít những khó khăn trong quá trình chuyển đổi này.
Đào tạo theo hệ thống tín chỉ xem người học là trung tâm của quá trình đào tạo. “Tín chỉ” là đơn vị căn bản để đo khối lượng kiến thức và đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Hiện nay, học chế tín chỉ là hình thức đào tạo được xem là tiên tiến trên thế giới vì mục đích đào tạo của nó là hướng vào sinh viên, coi người học là trung tâm trong quá trình dạy - học. Với hình thức này, người học chủ động hơn trong việc tiếp thu kiến thức và quản lý thời gian (chủ động lựa chọn môn học, giáo viên, giờ học...), nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu. Đồng thời đào tạo theo học chế tín chỉ sẽ hạn chế được tình trạng dạy và học theo lối kinh viện (điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương đổi mới phương pháp dạy và học, đẩy nhanh quá trình hội nhập thế giới).
II. NỘI DUNG
2.1. Những thuận lợi đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
- Đảng ủy, Ban giám hiệu trường đã có sự chỉ đạo về quan điểm nhất quán, liên tục trong thời gian qua để chuẩn bị các điều kiện về sinh viên, đội ngũ đáp ứng cho sự phát triển đi lên của trường trong đào tạo hệ thống tín chỉ
- Cán bộ, giảng viên đã ý thức được tính ưu việt của hình thức đào tạo theo tín chỉ, ủng hộ chủ trương, kế hoạch của Ban giám hiệu nhà trường.
- Trường đã tổ chức CB-giảng viên dự lớp tập huấn chuyên đề, từng bước chuẩn bị các điều kiện giảng dạy, tìm hiểu quy chế…
- Lớp học được tổ chức ổn định theo lớp tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên
2.2. Khó khăn:
- Đổi mới tư duy, thói quen nói chung và về đào tạo nói riêng không phải là việc nhanh chóng, dễ dàng. Do trong cùng thời điểm nhà trường vừa tổ chức đào tạo vừa theo niên chế vừa theo học chế tín chỉ, nên thời gian đầu có thể bị động lúng túng trong khâu tổ chức điều hành giữa các đơn vị, cá nhân và các bộ môn.
Về phía giảng viên:
Chưa nghiên cứu đầy đủ phương pháp dạy học tích cực, giảm số lượng giờ dạy nhưng không cắt xén chương trình. Nhiệm vụ này rất khó đối với giảng viên.
Việc đổi mới hình thức và phương pháp dạy học mỗi giảng viên phải tự tìm hiểu để thích nghi với hệ thống đào tạo mới.
- Do ảnh hưởng của đào tạo niên chế đã ăn sâu, thầy dạy và trò nghe, do đó mà đã chi phối không ít đến tính hiệu quả trong quá trình áp dụng học chế tín chỉ. Đa số sinh viên thường vẫn không có thói quen chủ động trong tìm tòi học liệu, nghiên cứu bài học bên ngoài sách vở, giáo trình; và đặc biệt là tâm lý thích dựa dẫm vào những cái gì đã có sẵn, phải nhờ sự hướng dẫn trực tiếp và kỹ lượng của giáo viên mới triển khai học tập, tập luyện.
- Thời gian học trên lớp giảm nhưng nội dung kiến thức không giảm
- Việc kiểm soát giờ tự học, tự nghiên cứu của sinh viên cũng chưa được tiến hành có quy củ và đều đặn do vậy việc tự học của sinh viên phụ thuộc vào ý thức tự giác của mỗi em
- Lực lượng cán bộ, giảng viên còn chưa có kinh nghiệm, không phải tất cả đều đồng tâm thay đổi. Đi cùng học chế mới là phải thay đổi phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá; nội dung, yêu cầu chương trình đào tạo thay đổi. Giảng viên còn chịu sự chọn lựa đánh giá của sinh viên…
Về phía sinh viên:
Đang từ môi trường học tập ở trường phổ thông, khi bước chân vào giảng đường ĐH, ngoài niềm vui khi mơ ước của mình đã được toại nguyện, các tân sinh viên phải đối diện ngay với những khó khăn khi phải làm quen với cách học hoàn toàn khác với thời phổ thông: đăng ký học phần theo học chế tín chỉ. Với học chế này, sinh viên sẽ phát huy tính chủ động, tích cực trong học tập. Nhưng nếu không nắm vững phương pháp, người học rất dễ bị sốc, khó đạt hiệu quả, thậm chí còn có nguy cơ bị buộc thôi học. Ngoài ra sinh viên còn một số khó khăn sau đây:
+ Chưa quen với môi trường dạy học mới
+ Chưa có ý thức cao trong học tập
+ Sự lựa chọn môn học chưa phù hợp
+ Chưa có phương pháp học hợp lý.
+ Thời gian học dàn đều trong ngày hạn chế thời gian cho sinh viên tự nghiên cứu lý thuyết và ngoại khóa thực hành.
Từ những khó khăn trên dẫn đến ý thức trong học tập môn Giáo dục Thể chất của sinh viên thường có những biểu hiện sau:
Vai trò của người dạy: Phải thay đổi quan điểm về đào tạo, về phương pháp và hình thức giảng dạy, phải đầu tư nhiều hơn nữa về chuyên môn để thực hiện việc cải cách giáo dục
Giờ lên lớp: Để sinh viên có ý thức tự học và tập luyện thì ngay từ trên lớp sinh viên phải tập trung lắng ghe, ghi chép theo ý hiểu của bản thân. Ý thức học tập của sinh viên ảnh hưởng bởi chất lượng bài giảng. Với tư cách là cố vấn cho quá trình học tập, khi giảng bài cũng như khi hướng dẫn thảo luận và triển khai tập luyện, người dạy phải chọn những vấn đề cốt lõi, quan trọng để giảng và hướng dẫn.
Kết hợp mềm dẻo cả phương pháp cổ truyền và phương pháp giảng dạy mới, để người học thích nghi dần, thường xuyên đặt vấn đề đưa ra các câu hỏi tình huống để phát huy tinh thần sáng tạo của người học. Giảng viên chú ý phát huy năng lực trí tuệ của sinh viên, sinh viên biết tự phát huy để hưởng ứng. Sinh viên là chủ thể của hoạt động, sinh viên không phải nhân vật thụ động, tiếp thu máy móc. Có như vậy sinh viên mới hứng thú trong quá trình tự học
Tự học: Tự học, tự nghiên cứu có nhiều hình thức như: làm bài tập, triển khai tập luyện, ngoại khóa, sưu tầm và nghiên cứu tài liệu, video…
Tích cực hóa quá trình nhận thức của người học có ba giai đoạn: Trước lên lớp, trong khi lên lớp và sau khi lên lớp. Phần chuẩn bị nằm trong giai đoạn trước lên lớp. Phần chuẩn bị này có vai trò hết sức quan trọng. Việc chuẩn bị bài của sinh viên đối với môn học giáo dục Thể chất trước khi lên lớp hiện nay còn rất yếu cả về ý thức tự giác cũng như kỹ năng chuẩn bị bài, .. Cũng như đã nói ở trên, việc chuẩn bị nghiên cứu nội dung của sinh viên trước khi lên lớp có vai trò rất quan trọng đối với hiệu quả của quá trình học tập. Trong quá trình lên lớp, người giáo viên chủ yếu đi vào phần trọng tâm và phần khó của bài dạy, những phần còn lại sinh viên đều phải tự nghiên cứu.
- Để sinh viên có ý thức biết sắp xếp thời gian tự học một cách phù hợp khi giao nhiệm vụ về nhà giảng viên cần đưa ra những vấn đề ngắn gọn, giới thiệu tài liệu cụ thể, bên cạnh đó còn hướng dẫn sinh viên cách đọc tài liệu, nghiên cứu tài liệu sao cho hợp lý và đạt hiệu quả.
- Thường xuyên kiểm tra và đánh giá cho điểm với nhiệm vụ được giao cũng là một trong những biện pháp có hiệu quả trong giảng dạy qua thực tiễn giảng dạy cho thấy 80% sinh viên có ý thức đọc trước bài và ôn bài cũ nếu giảng viên thường xuyên kiểm tra đầu giờ học. Nếu không thực hiện nhiệm vụ này thì chỉ có 20% sinh viên ôn lại bài cũ.
- Thường xuyên phối hợp với, giáo viên chủ nhiệm, cố vấn học tập về tình hình tự học của lớp để có biện pháp kịp thời.
Dạy học nhóm: Là một hình thức trong đó sinh viên của một lớp học được chia thành các nhóm nhỏ. Trong khoảng thời gian giới hạn, mỗi nhóm tự lực hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên cơ sở phân công và hợp tác làm việc. Kết quả làm việc của nhóm được trình bày và đánh giá trước toàn lớp. Dạy học theo nhóm nhỏ là một hình thức xã hội, hay là hình thức hợp tác của dạy học. Dạy học nhóm thường được áp dụng để đi sâu, vận dụng, luyện tập, củng cố một chủ đề đã học, nhưng cũng có thể để tìm hiểu một chủ đề mới.
Để hiệu quả học nhóm đạt kết quả cần chú ý những vấn đề sau:
Khi phân chia mỗi nhóm trung bình từ 5 - 7 sinh viên trong nhóm bầu nhóm trưởng: Nhóm trưởng là người học được để nghiên cứu kỹ nội dung bài tập, rút ra những vấn đề chính để phân chia công việc. Nhóm trưởng phải hiểu năng lực của từng thành viên để giao nhiệm vụ.
Không phân nhóm theo các đối tượng học đồng đều mà có sự chênh lệch để tạo điều kiện học hỏi lẫn nhau, sau 20 phút mỗi người phải trình bày quan điểm của mình.
Cần phân công công việc hợp lý nội dung cho mỗi thành viên trong nhóm. Khi công việc được phân chia rõ ràng cho từng thành viên họ sẽ ý thức được vai trò của mình, có trách nhiệm hoàn thành công việc.
Phải phân công một thành viên chỉ đạo và quan sát tất cả quá trình tập luyện của cac thành viên và những vấn đề bàn luận của nhóm để cuối buổi tổng kết và báo cáo kết quả với giảng viên giảng dạy.
Đánh giá kết quả của từng nhóm tránh sự đồng đều giao cho nhóm bình bầu điểm của mỗi thành viên.
Nếu một thành viên lười biếng, không chịu hợp tác, các thành viên còn lại báo cáo với giáo viên và đề nghị giáo viên loại người đó ra khỏi danh sách của nhóm.
Vai trò hướng dẫn của người giảng viên: - Người giáo viên phải là người điều động các nhóm nhỏ làm việc. Tư vấn cho sinh viên hoặc trực tiếp lựa chọn hình thức tổ chức nhóm cho phù hợp.
- Phải quan sát và theo dõi hoạt động, công việc của từng nhóm để tìm ra cách giải quyết hợp lý nhất. Trong quá trình quan sát các nhóm làm việc, người giáo viên phải phát hiện ra các sai lầm mà các nhóm mắc phải khi tham gia làm việc theo nhóm, những sai lầm mang tính điển hình và thắc mắc.
- Nếu một thành viên lười biếng, không chịu hợp tác, các thành viên còn lại báo cáo với giáo viên và đề nghị giáo viên loại người đó ra khỏi danh sách của nhóm mình.
- Kiểm tra, đánh giá: Trong đào tạo theo tín chỉ, kiến thức của bài học phải được xem là tổng thể kiến thức sinh viên tiếp thu trên lớp và tự học tự nghiên cứu.Từ trước đến nay chúng ta phần lớn chỉ quan tâm đến kiểm tra đánh kết quả học tập của sinh viên ở phần kiến thức các em tiếp thu được qua bài giảng của giảng viên mà chưa quan tâm đến kiểm tra đánh giá những kiến thức các em tự học, tự nghiên cứu; vì thế, cần thiết phải có sự đổi mới trong thiết kế đề thi để kiểm tra đánh giá sinh viên trong đào tạo theo tín chỉ.
Cần hệ thống lại những nội dung chính, trọng tâm để sinh viên chuẩn bị tốt cho thi kết thúc môn
Trong kết cấu của điểm kết thúc học phần của môn phải bao gồm hai phần: kiểm tra điểm kết thúc kèm theo điểm tổng hợp cả kiến thức tự học, tự nghiên cứu theo tỷ lệ (70/30).
III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
3.1. KẾT LUẬN
Đào tạo theo HCTC là phương thức đào tạo mềm dẻo, linh hoạt, có nhiều ưu điểm. Vì thế, việc chuyển đổi từ học chế niên chế sang HCTC là con đường tất yếu của giáo dục đại học. Trường Đại học Hà Tĩnh sau 5 năm thực hiện thời gian chưa phải là nhiều để đánh giá nhưng chúng ta cũng nhận thấy những kết quả đạt được đồng thời cũng thấy những điểm còn tồn đọng. Đối với sinh viên thể thao việc nắm được kiến thức cơ bản trong chương trình đã là một khó khăn. Để sinh viên có ý thức tự học, tự nghiên cứu lại là một vấn đề vô cùng khó khăn cả cho người dạy và người học Để thực hiện tốt HCTC, cần có sự hoạt động đồng bộ của toàn trường, có sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo nhà trường và các khoa, bộ môn, đặc biệt là phải có sự thay đổi tận gốc rễ quan niệm dạy - học trong đội ngũ giảng viên và sinh viên.
3.2. KIẾN NGHỊ
Để học nhóm có hiệu quả cần bổ sung thêm cơ sở vật chất bởi vì nếu 1 nhóm học sinh viên đông thì thời gian để thực hành trên dụng cụ cũng như sân bãi không đáp ứng đủ.
Có thể xem xét tính theo thang điểm 10 mà một số trường vẫn thực hiện.
Việc tính thang điểm theo học tín chỉ nhưng vẫn áp dụng điểm theo niên chế nên vẫn còn một số thắc mắc từ phía sinh viên.
Giáo viên chủ nhiệm, tư vấn học tập cần nắm rõ quy chế và nâng cao trách nhiệm trong nhiệm vụ được giao.
VI. TÀI LIỆU THAM KHẢO.
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (1998), Phân phối chương trình giáo dục thể chất trong các trường Đại học (quyết định 2003/ QĐ-GDTC ngày 23/01/1998).
2. Phạm Đình Bẩm (1999), Giáo trình quản lý TDTT, NXB TDTT, Hà Nội.
3. Lâm Quang Thiệp, Lê Viết Khuyến: Chương trình và quy trình đào tạo đại học. trích: "Một số vấn đề về Giáo dục đại học", NXB ĐHQG Hà Nội, 2004.
4. Nguyễn Toán, Phạm Danh Tốn (2000), Lý luận và phương pháp thể dục thể thao, Nhà xuất bản TDTT, Hà Nội.
Tin mới
Các tin khác
- TẦM QUAN TRỌNG CỦA GDTC TRONG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC TƯƠNG LAI TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀ TĨNH - 08/04/2023 12:07
- LỰA CHỌN GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO KỸ THUẬT CHUYỀN BÓNG CAO TAY TRƯỚC MẶT CHO SINH VIÊN KHÔNG CHUYÊN - 08/04/2023 12:04
- LỰA CHỌN MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIỜ HỌC GDTC CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐAỊ HỌC HÀ TĨNH - 21/02/2023 05:42
- TÌM HIỂU HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHOÁ THỂ DỤC THỂ THAO CỦA SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀ TĨNH. - 16/12/2022 03:17
- THỰC TRẠNG SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY THỰC HÀNH MÔN GIÁO DỤC THỂ CHẤT CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀ TĨNH - 13/09/2022 03:42