JP Football - шаблон joomla Окна

Thi đấu thể thao chỉ trở thành nhân tố tốt để giáo dục đạo đức khi mà thắng lợi của mỗi cá nhân riêng lẻ được xem xét như là thắng lợi của cả tập thể, khi mà các thành tích của cá nhân có thể đạt được là nhờ tập thể.

Thi đấu thể thao có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các vận động viên về mặt thể chất, tinh thần, đạo đức và ý chí của họ, bài viết dưới đây cho chúng ta cách nhìn mới hơn về sự ảnh hưởng của tinh thần tập thể trong thi đấu thể thao của mỗi vận động viên, đặc biệt là việc giáo dục đạo đức và ý chí cho họ.

 Có thể nói cơ sở của ý thức xã hội đã hình thành ở VĐV là sự nhận thức của VĐV đó về sự phụ thuộc của mình vào một tập thể nhất định, là cảm giác nghĩa vụ trước tập thể đó. Trong khi hoạt động trong tập thể là vì tập thể, VĐV phải trực tiếp đụng chạm đến yếu tố thống nhất giữa các lợi ích cá nhân và xã hội. Nhờ vậy trong quá trình thi đấu sẽ giáo dục được các tình cảm xã hội.

Sự nhận thức về ý nghĩa xã hội của thành tích thể thao của mình cũng là cơ sở để giáo dục cảm giác về giá trị của con người, về sự khẳng định vị trí xã hội của mình thông qua thắng lợi. Sự thành công trong thể thao của một quốc gia không loại trừ những cống hiến cá nhân và những giá trị của các VĐV riêng lẻ, nó tạo điều kiện nhằm củng cố những phẩm chất đạo đức có liên quan đến sự phát triển ý thức xã hội của cá nhân.

Con đường hình thành các nét đạo đức, mà cơ sở của nó là sự phát triển ý thức xã hội của con người, thường gắn liền với những biểu hiện mâu thuẫn cá nhân. Thi đấu gây ảnh hưởng giáo dục không phải ngay lập tức. Ở các VĐV mới bắt đầu tập luyện, cảm giác về giá trị của bản thân mình có thể bị phóng đại, sự chú ý đến cá nhân mình có thể được nhấn mạnh hơn một cách không có chủ tâm.

Thi đấu thể thao có thể dẫn đến phát triển những nét nhân cách xấu nếu như các giáo viên và HLV không chú ý đầy đủ đến ý nghĩa to lớn của việc đặt vấn đề giáo dục đúng đắn tình cảm tập thể. Điều đó thường xảy ra trong những trường hợp sau đây:

- Khi thành tích kỷ lục đạt được mang ý nghĩa của một mục đích tự thân và không gắn với việc giải quyết đúng đắn các nhiệm vụ giáo dục căn bản nhất.

- Khi việc chuẩn bị thi đấu chỉ dựa vào các VĐV mạnh riêng lẻ, chứ không phải dựa vào một tập thể có kỷ luật, thương yêu nhau và có ý thức trách nhiệm đối với mình.

- Khi thể thao đã biến thành sự say đắm duy nhất và cuốn hút đến hầu hết tất cả mọi nhu cầu và hứng thú văn hóa, xã hội khác của VĐV.

- Khi mà những người lãnh đạo tập thể lúc tiến hành thi đấu chỉ nghĩ về thành tích cao của các học trò mình mà không chú ý đến các mặt giáo dục của thi đấu, đến tư cách của VĐV.

Như vậy, chỉ có các cuộc thi đấu, mà việc tổ chức và tiến hành đã có tính toán đến khả năng gây tác động xã hội đúng đắn đối với các VĐV, mới có thể gây tác động đầy đủ đến việc giáo dục các phẩm chất đạo đức và ý chí tốt cho họ.

Tài liệu tham khảo:

1. Tâm lý học Thể Thao, Rigiơxki Pêrêulôc, Nhà xuất bản Mir, Matxcơva, 1986

2. www.tdtt.gov.vn