Khi nêu bình đẳng giới chúng ta đều quen thuộc với khái niệm “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng” . Ngày nay khái niệm ấy cần được hiểu đầy đủ hơn. Bình đẳng giới trong xã hội hiện nay không chỉ nói về sự bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới mà còn cả người đồng tính, song tính, vô tính và chuyển giới đều được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người và có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển của xã hội nói chung. Đặc biệt bình đẳng giới tại nơi làm việc là một vấn đề được rất nhiều người quan tâm.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình”. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.
Giờ đây, theo sự thay đổi chung của thời đại, người phụ nữ ngoài trách nhiệm truyền thống là làm con, làm dâu, làm mẹ, làm vợ… đã thực sự bước vào xã hội với nhiều vai trò khác nhau trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật… Rất nhiều phụ nữ có kinh tế, có địa vị xã hội nhưng vẫn không quên thiên chức làm vợ, làm mẹ. Họ biết tận dụng giờ nghỉ, tranh thủ đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con, gia đình và chăm sóc bản thân, tranh thủ đi học để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Đó chính là hiện thân của phụ nữ trong thời đại mới, hội đủ các yếu tố “ công, dung, ngôn, hạnh” thời nay.
Người phụ nữ muốn thực sự làm chủ được bản thân, gia đình và xã hội cần vươn lên để thành đạt trong sự nghiệp, có thu nhập, có cuộc sống tinh thần phong phú và một phong cách sống độc lập của riêng mình. Người phụ nữ cần làm tốt thiên chức cao đẹp của người vợ, người mẹ, đó là cơ sở để chị em tham gia công tác xã hội đạt hiệu quả. Ngược lại, vị thế xã hội cũng giúp cho người phụ nữ có uy tín và điều kiện nuôi dạy con cái, gìn giữ hạnh phúc gia đình. Thực tế đã chứng minh, có nhiều phụ nữ xuất sắc trên con đường sự nghiệp, cống hiến cho Tổ quốc, cho nền văn minh nhân loại, nổi tiếng trên trường quốc tế.
Bình đẳng giới không chỉ là để giải phóng phụ nữ, mà còn là giải phóng nam giới. Khi quá đề cao nam giới và hạ thấp nữ giới thì không chỉ có nữ giới bị ảnh hưởng mà nam giới cũng bị hệ lụy. Quan niệm nam giới là phái mạnh, phải mạnh mẽ, không được khóc, không được thể hiện cảm xúc là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tỉ lệ tự tử ở nam cao gấp 3 lần nữ giới, tuổi thọ cũng ngắn hơn và tỷ lệ trầm cảm ngày càng tăng. Rất nhiều nam giới bị rối loạn tâm lý nhưng không dám đi khám hay chữa hoặc tìm đến sự giúp đỡ vì họ sợ bị đánh giá là “yếu ớt” hay “thiếu nam tính” .
Bình đẳng giới cũng không chỉ đơn thuần nói về bình quyền giữa đàn ông và đàn bà mà còn là sự đảm bảo quyền con người với tất cả mọi người trong đó có cả những người đồng tính, song tính, vô tính và chuyển giới. Bình đẳng giới cho phép họ được công khai và sống thực với giới tính của mình mà không hề bị phân biệt, kỳ thị, được bình đẳng mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; được hỗ trợ và tạo điều kiện để phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Những người đồng tính, song tính, vô tính và chuyển giới không phải là bệnh hoạn mà chỉ là họ có xu hướng giới tính khác với số đông những người còn lại. Họ cũng cảm thấy rất khó khăn, khổ sở để thích nghi và tồn tại trong xã hội này, vì thế, chúng ta không được phân biệt, kỳ thị, hãy tạo điều kiện công bằng cho họ trong môi trường làm việc.
Giới tính nam, giới tính nữ, đồng tính, song tính, vô tính đều không quan trọng, không ai có lỗi, vì thế không nên có thái độ kỳ thị, phân biệt, từ bỏ vai trò, thiên chức của mình, quên phát huy ưu điểm, thế mạnh của mình. Điều quan trọng là thiết lập được các mối quan hệ tốt trên cơ sở của sự hiểu biết và tình yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, đó là con đường hạnh phúc, mục tiêu sau cùng của cuộc sống.
Hiện nay ở các cơ quan đoàn thể nói chung và trường Đại học Hà Tĩnh nói riêng, ở những vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của các cơ quan và nhà trường luôn đề cao năng lực bản thân và không phân biệt nam hay nữ, thoải mái thể hiện bản thân, thể hiện chính kiến.
Công đoàn trường Đại học Hà Tĩnh luôn đoàn kết, sáng tạo và giúp đỡ nhau, nhất là đối với các công đoàn viên nữ để họ vừa hoàn thành tốt công việc ở cơ quan, vừa thực hiện thiên chức người vợ, người mẹ ở gia đình. Các khoa, bôn môn và phòng ban luôn quan tâm đến cán bộ công nhân viên nữ nhà trường, điều này được thể hiện qua những lần tổ chức ngày lễ 20/10, 8/3, và tổ chức các giải thể thao nữ như bóng chuyền, bóng đá, bóng chuyền hơi, cầu lông...cho cán bộ, giảng viên nữ.
Tin mới
- CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ SỨC KHỎE TRONG MÙA BÃO, LŨ - 22/10/2020 15:30
- Một vài suy nghĩ về dự án Thành phố Giáo dục quốc tế Hà Tĩnh - 18/12/2019 10:03
- BÓNG CHUYỀN HƠI ĐÃ CHƠI LÀ NGHIỆN - 18/12/2019 09:56
- RỘN RÀNG HỘI THAO CHÀO MỪNG NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM - 07/11/2019 13:40
- Giải bóng chuyền nam chào mừng 73 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9 - 07/11/2019 13:00
Các tin khác
- BỘ MÔN GIÁO DỤC THỂ CHẤT VUI CÙNG TẾT BUNPIMAY LÀO - 17/04/2019 14:06
- Bóng đá qua lưới “món ăn tinh thần” của giảng viên Trường Đại học Hà Tĩnh - 18/03/2019 13:57
- CÔNG ĐOÀN TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀ TĨNH TỔ CHỨC HỘI THAO LẦN THỨ 3 - 18/11/2018 13:08
- Thể dục thể thao với an ninh, quốc phòng - 19/12/2017 13:06
- 11 TOÁN BẢO VỆ THÀNH CÔNG CHỨC VÔ ĐỊCH GIẢI BÓNG ĐÁ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 - 19/11/2017 13:25