In bài này
Chuyên mục: Nghiên cứu
Lượt xem: 601

Để thúc đẩy phong trào TDTT học đường, trường học các cấp trên địa bàn đã tăng cường tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh về tầm quan trọng của việc tập luyện TDTT, nâng cao thể lực, tăng cường sức khỏe, nhất là trong thời điểm hiện tại dịch bệnh hoành hoành thì việc nâng cao sức khỏe trở thành vấn đề cấp thiết để hỗ trợ việc học tập văn hóa được tốt hơn; thực hiện đa dạng các hoạt động, câu lạc bộ thể thao trường học và khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động thể thao ngoại khóa. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức các giải thi đấu thể thao cấp trường để tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu thể thao và tham gia các giải đấu cấp huyện, tỉnh, giải đấu thành tích cao. 

      Ở cấp tiểu học và THCS, do đặc điểm độ tuổi nên nhiều học sinh bị hạn chế bởi các yếu tố về sức khỏe, tâm lý, sinh lý lứa tuổi chưa hoàn thiện, cho nên chưa có nhiều học sinh thể hiện được tố chất và năng khiếu về TDTT. Vì vậy, nhà trường đã chú trọng nâng cao chất lượng các tiết học thể dục, chỉ đạo đội ngũ giáo viên dạy thể dục  nắm chắc chương trình giảng dạy ở tất cả các khối lớp, có sự nghiên cứu kỹ nội dung từng bài giảng và phải hướng tới sự phù hợp với từng đối tượng học sinh, ưu tiên chọn các nội dung được nhiều học sinh yêu thích. Đặc biệt, tập trung đổi mới mục tiêu, chương trình môn học giáo dục thể chất theo hướng tích hợp với các hoạt động giáo dục khác; bảo đảm cân đối, thống nhất, linh hoạt, có tính kế thừa và phát triển giữa các cấp học; cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho học sinh; hình thành và duy trì thói quen tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Ngoài ra xây dựng các trường học có đủ cơ sở vật chất để giảng dạy và học tập.

       Đối với học sinh khối THPT, các môn thể thao truyền thống như: kéo co, đẩy gậy và một số môn thể thao hiện đại, như: Bơi lội, bóng đá, bóng chuyền… đã được phát triển mạnh mẽ trong các trường học, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập, rèn luyện, phát triển toàn diện cả về trí và lực. Để duy trì và nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và phong trào thể thao trong các trường THPT, việc nâng cấp đầu tư cơ sở vật chất, sân tập, nhà tập và các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho việc giảng dạy, tổ chức hoạt động ngoại khóa và thi đấu thể thao đã nhận được sự quan tâm từ nhiều phía…

       Thường xuyên dẫn đầu khối các trường THPT trong các kỳ thi chọn HSG TDTT và các giải thể thao phong trào, Trường THPT- ĐHHT đã tạo dựng được cho mình một bề dày thành tích về công tác phát triển các môn TDTT trong học sinh. Tại đây, việc duy trì và phát triển phong trào thể thao trường học nói chung, thể thao thành tích cao trong học sinh nói riêng đã có sự hỗ trợ của nhiều yếu tố, giúp nhà trường phát hiện, bồi dưỡng và đưa vào đội tuyển tập luyện, thi đấu. Các giáo viên kiêm huấn luyện viên của nhà trường đã không ngại vất vả, đi gặp gỡ trực tiếp từng gia đình học sinh để vận động học sinh, phụ huynh cho con em tham gia các đội tuyển TDTT của nhà trường. Đồng thời, phối hợp tổ chức các giải thi đấu nhỏ cấp trường, cấp thôn xóm, tạo điều kiện để những học sinh có tố chất được đi giao lưu, tạo thêm tinh thần thi đấu cũng như cơ hội cọ xát cho các em…

       Với sự nỗ lực đến từ nhiều phía, đến nay, 100% trường học trên địa bàn tỉnh bảo đảm chương trình giáo dục thể chất nền nếp, trên 80% trường học tổ chức tốt hoạt động ngoại khóa. Đây là cơ sở để ngành giáo dục chỉ đạo xây dựng và duy trì tốt hoạt động của nhiều mô hình câu lạc bộ (CLB) thể thao trường học. Theo đó, tùy điều kiện thực tế và nhu cầu tập luyện của học sinh, mỗi trường học các cấp đã có ít nhất từ 4-5 CLB thể thao. Tham gia các CLB TDTT, học sinh không chỉ được thỏa mãn nhu cầu tập luyện TDTT mà còn được trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản, giúp hình thành thói quen tập luyện TDTT thường xuyên.