In bài này
Chuyên mục: Nghiên cứu
Lượt xem: 384

Tóm tắt

Công tác giáo dục thể chất ( GDTC) trong nhà trường là một nội dung quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và nó là một bộ phận lớn trong sự nghiệp Thể dục thể thao nước nhà. Giống như tình hình chung của cả nước và công tác GDTC trong trường Đại học Hà Tĩnh còn tồn tại một số tồn tại và hạn chế; Tất cả những hạn chế và bất cập đã đặt ra những yêu cầu cần có sự đổi mới, cải tiến từng bước nâng cao chất lượng công tác GDTC trong nhà trường, đáp ứng được nhu cầu sinh viên cũng như phù hợp với xu thế phát triển của xã hội ngày nay.

Từ khóa: Giải pháp, hiệu quả, giờ học, sinh viên, Trường Đại học Hà Tĩnh

            Selecting a number of solutions to increase efficient efficiency of GDTC for students of Ha Tinh University

Absract                                                        

Physical education (GDTC) is an important part of our education and it is a big part of our national physical education. Like the general situation of the whole country and the work of education and training in Ha Tinh University, there exist some shortcomings and limitations; All constraints and inadequacies have set the requirements for innovation, improving step by step improving the quality of work in school, meet the needs of students as well as the trend development of today's society
            Keywords: Solutions, efficiency, hours, students, University of Ha Tinh

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Công tác giáo dục thể chất ( GDTC) trong nhà trường là một nội dung quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và nó là một bộ phận lớn trong sự nghiệp Thể dục thể thao nước nhà. GDTC có vai trò chính và trực tiếp tác động tới sức khoẻ con người, đồng thời có thể coi là tiền đề thúc đẩy việc hình thành phẩm chất, nhân cách con người Việt Nam.

Trong giai đoạn hiện nay GDTC là một nội dung bắt buộc đối với học sinh trong hệ thống giáo dục nhằm mục tiêu quan trọng của GDTC trong trường học gắn liền và góp phần thực hiện mục tiêu của GD - ĐT. Trước những yêu cầu ngày càng đổi mới công tác GDTC trong trường học, việc nâng cao hiệu quả giờ học GDTC đã trở thành một yêu cầu cấp thiết.

 Cũng giống như tình hình chung của cả nước và công tác GDTC trong trường Đại học Hà Tĩnh còn tồn tại một số vấn đề như sau: Chương trình giảng dạy nội khoá còn hạn hẹp, hoạt động ngoại khoá của sinh viên chưa được tiến hành thường xuyên, trong đó đa phần là nữ, cộng thêm cơ sở vật  chất còn nghèo nàn, đặc biệt đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Tất cả những hạn chế và bất cập nêu trên đã đặt ra những yêu cầu cần có sự đổi mới, cải tiến từng bước nâng cao chất lượng công tác GDTC trong nhà trường, đáp ứng được nhu cầu sinh viên cũng như phù hợp với xu thế phát triển của xã hội ngày nay. Xuất phát từ thực tiễn chúng tôi xin đề xuất giải pháp pháp nhằm nâng cao hiệu quả giờ học GDTC cho sinh viên trường Đại học Hà Tĩnh.

II. NỘI DUNG

Để nắm sâu hơn về vấn đề đảm bảo và nâng cao hiệu quả giờ học GDTC trong trường, chúng tôi đã lựa chọn các giải pháp sau nhằm nâng cao hiệu quả giờ học GDTC của nhà trường:

Nhóm giải pháp 1: Tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tác dụng của TDTT.

 Mục đích: Giải pháp này giúp cho sinh viên nhận thức đúng tầm quan trọng của GDTC, thấy rõ vai trò của TDTT trong việc đào tạo con người mới phát triển toàn diện, từ đó giúp cho họ có ý thức tập luyện TDTT một cách thường xuyên.

Nhóm giải pháp này gồm các biện pháp sau:

 1. Trước khi học các môn GDTC, giáo viên lên lớp giảng về vai trò, tác dụng của TDTT trong cuộc sống cũng như trong công tác sau này.

2. Tăng cường thông tin, tác dụng của TDTT trên mạng lưới thông tin của nhà trường. Tổ chức thi đua dạy tốt, học tốt môn học TDTT giúp sinh viên nâng cao nhận thức về môn học này.

3. Phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên thực hiện tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về TDTT.

4. Tổ chức cho sinh viên tham gia các giải thi đấu trong trường, thi đấu giao hữu với các đơn vị, thi đấu giải dành cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học.

5. Tổ chức các cuộc nói chuyện về TDTT, tuyên truyền sâu rộng về TDTT qua hoạt động của các thành viên trong các câu lạc bộ thể thao của trường.

6. Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước trong sinh viên về công tác TDTT nói chung và về công tác GDTC nói riêng.

7. Động viên kịp thời các cá nhân, tập thể có thành tích cao và đóng góp cho hoạt động phong trào của nhà trường.

8. Phối hợp với phòng tổ chức cán bộ đưa những hình ảnh hoạt động TDTT của trường lên bảng tin, trang website của nhà trường.

 Nhóm giải pháp 2: Cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo cơ chế và ứng dụng chính sách hợp lý, thoả đáng.

1. Cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật.

Mục đích:

Để nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện đảm bảo những điều kiện cần thiết phục vụ cho giảng dạy chính khoá, cũng như các hoạt động ngoại khoá của sinh viên.

Nội dung:

Tiến hành cải tạo, sửa chữa nâng cấp cơ sở tập luyện: Sân bãi, nhà tập...để có thể tận dụng tối đa điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường phục vụ giảng dạy chính khoá và hoạt động tập luyện ngoại khoá. Xây dựng phương án sử dụng sân bãi, nhà tập theo từng đối tượng tập luyện, quy chế sử dụng thiết bị. Kiến nghị nhà trường trong quy hoạch xây dựng nhà trường, đảm bảo có kế hoạch xây dựng phòng tập, sân điền kinh, sân bóng đá đặc biệt có nhà đa năng để hoạt động.

Sửa chữa, mua mới trang thiết bị dụng cụ phục vụ cho giảng dạy và tập luyện trong giờ học chính khoá, cũng như ngoại khoá đủ về số lượng và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Thường xuyên kiểm tra, sửa chữa hệ thống điện chiếu sáng cho nhà tập, sân Bóng chuyền...Tạo điều kiện cho mượn dụng cụ, mở nhà tập, sân bãi tập luyện...để sinh viên có điều kiện tập luyện thoả mái trong thời gian rảnh rỗi.

Việc áp dụng những phương tiện kỹ thuật trong quá trình tập luyện và thi đấu là một biện pháp rất cần thiết để thu nhận những tài liệu khách quan về số lượng và chất lượng động tác. Nhờ phương tiện kỹ thuật HLV, giảng viên có thể phát hiện và sửa chữa được những sai sót kỹ thuật động tác trong tập luyện và thi đấu một cách dễ dàng hơn. Đối với sinh viên thì điều đó lại càng quan trọng.

2. Tạo cơ chế và ứng dụng chính sách hợp lý, thoả đáng.

Mục đích: Cải tiến chế độ, chính sách thoả đáng cho đội ngũ cán bộ giảng viên, sinh viên tham gia các hoạt động ngoại khoá.

Nội dung:

Tiếp tục vận dụng các chế độ, chính sách đã được thực hiện, xây dựng và ban hành chính sách đãi ngộ cụ thể, trước mắt và lâu dài để đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của giảng viên, huấn luyện viên và vận động viên.

Huy động tài trợ chính, giải thưởng…

Có chế độ động viên, khen thưởng kịp thời, thoả đáng ( về tinh thần và vật chất), tạo động cơ thúc đẩy quá trình  huấn luyện, giảng dạy, tập luyện và thi đấu của giáo viên và sinh viên. Bên cạnh đó, có những hình thức giáo dục, kỷ luật nhằm giữ vững kỷ cương trong công tác giáo dục bồi dưỡng những phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong sư phạm cho người thầy, cô giáo trong tương lai.

Nhóm giải pháp 3: Cải tiến phương pháp giảng dạy các môn học trong chương trình GDTC.

Mục đích: Nhằm nâng cao chất lượng giờ học các môn GDTC, tạo hứng thú cho người tập, kích thích tính tự giác, tích cực trong tập luyện của người học.

Nội dung:

Kế hoạch giảng dạy nội khoá phải được thực hiện theo chương trình GDTC với 03 học kỳ 90 tiết và được chia ra 02 phần bắt buộc và tự chọn.

Giờ học thể dục phải đảm bảo giáo dục nâng cao  nhận thức về vị trí, vai trò của việc tập luyện nâng cao sức khoẻ, giáo dục đạo đức cách mạng. Trang bị hình thành và nâng cao các kỹ năng vận động cơ bản, giáo dục toàn diện các tố chất vận động cho sinh viên. Trang bị những kiến thức lý luận về phương pháp tập luyện nâng cao sức khoẻ.

Do vậy giờ học thể dục phải đảm bảo tính hấp dẫn và có lượng vận động phù hợp cần thiết để giúp sinh viên hoàn thành chương trình GDTC tiêu chuẩn rèn luyện thân thể và nâng cao được sức khoẻ.

Nhóm giải pháp này cần:

1. Nghiên cứu, cải tiến nội dung giảng dạy, cải tiến phương pháp tổ chức giờ học thể dục.

2. Có chính sách kích thích tính chuyên cần của sinh viên.

3. Có nội dung bài tập phong phú, tăng tính hấp dẫn của giờ học.

4. Đưa nội dung tiêu chuẩn rèn luyện thân thể vào nội dung buổi tập và nội dung kiểm tra đánh giá môn học.

Nhóm giải pháp 4: xúc tiến tổ chức các hoạt động ngoại khoá cho sinh viên, xây dựng các câu lạc bộ thể thao và nâng cao chất lượng các đội tuyển thể thao.

1. Nâng cao chất lượng hoạt động của đội tuyển, các lớp tự chọn, nâng cao có giáo viên hướng dẫn, sau đó lớp tự quản.

Bao gồm các nội dung sau:

Tổ chức các clb, đội thể thao.

Mục đích: Nhằm đáp ứng mục tiêu đào tạo là giỏi một môn, biết nhiều môn, nâng cao chất lượng đào tạo, chuẩn bị lực lượng tham gia thi đấu đối ngoại nâng cao vị thế nhà trường.

Nội dung:

Tăng cường sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và sự cần thiết có đội tuyển thể thao của nhà trường. Thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ giảng viên, VĐV trong đội tuyển. Bám sát kế hoạch thi đấu của ngành, địa phương, thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của lãnh đạo nhà trường.

Các khoa, bộ môn xây dựng kế hoạch, chương trình huấn luyện theo từng năm, từng quý, từng tháng, từng tuần và trực tiếp tham gia huấn luyện theo chuyên môn, đảm bảo nguyên tắc, phương pháp huấn luyện, cải tiến, áp dụng các phương pháp huấn luyện mới.

Tăng cường, đẩy mạnh công tác huấn luyện thể lực chung và chuyên môn cho sinh viên giỏi các môn.

Củng cố, hoàn thiện kỹ thuật động tác, hình thành kỹ xảo vận động, tâm lý thi đấu, kỹ chiến thuật cho sinh viên.

Tham gia thi đấu giao lưu, cọ sát nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm thi đấu.

Tổ chức thực hiện:

Các khoa tổ chức chỉ đạo thành lập các đội tuyển hoạt động trong các câu lạc bộ theo sự chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường, Phòng Đào tạo và có sự phối hợp chỉ đạo của Phòng Tổ chức - Công tác HSSV, Công Đoàn, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Ban kí túc xá sinh viên.

Hình thức tổ chức tập luyện:

Thời gian tiến hành vào các buổi chiều từ 17h đến 18h30 ngày thứ 2, thứ 4 và thứ 6 hàng tuần ( nhà trường bố trí cả buổi chiều thứ 4 hàng tuần không có giờ học chính khoá để phục vụ cho các hoạt động ngoại khoá).

Số lượng buổi tập 3 buổi/tuần, thời gian tập là 90 phút (như giờ học chính khoá, có giáo viên, huấn luyện viên trực tiếp phụ trách giảng dạy - huấn luyện).

Đối tượng tham gia tập luyện: Những sinh viên có năng lực, trình độ khá và giỏi ở các môn học.

Tổ chức các lớp đại trà để nâng cao trình độ.

Mục đích: Nhằm đáp ứng nhu cầu rèn luyện ngoài giờ học chính khoá, đáp ứng yêu cầu thực tế của nhà trường phổ thông các cấp là biết nhiều môn, giỏi một môn, nâng cao hiệu quả giờ học tập giờ chính khoá.

Nội dung:

Các bộ môn bám sát sự chỉ đạo của Ban giám hiệu, Phòng Đào tạo nhà trường, chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình học tập các lớp tự chọn, nâng cao giờ học ngoại khoá. Thường xuyên giáo dục, quan tâm đến xây dựng ý thức tự giác tích cực, xác định rõ mục đích, động cơ tập luyện ngoại khoá cho sinh viên.

Củng cố phát triển thể lực chung và chuyên môn, hoàn thiện, nâng cao khả năng thực hiện kỹ thuật động tác cho sinh viên. Các giờ học giáo viên bộ môn tập trung hướng dẫn nội dung buổi tập, hướng dẫn cán bộ lớp, Đoàn thanh niên duy trì hoạt động tập luyện của giờ học ngoại khoá. Kiểm tra đánh giá, thưởng điểm gắn với kết quả học tập chính khoá.

Tổ chức thực hiện:

Ban chủ nhiệm câu lạc bộ ở các khoa thực hiện theo sự chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường, sự phối hợp các bộ môn, Phòng Đào tạo, Công Đoàn, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Ban Kí túc xá sinh viên.

Đội ngũ cán bộ lớp, cán bộ chi đoàn các khoá, chi đoàn cán bộ giáo viên tham gia làm thành viên điều hành câu lạc bộ.

Hình thức tổ chức tập luyện:Thời gian tiến hành vào các buổi chiều từ 17h đến 18h30 ngày thứ 3, thứ 4 và thứ 5 hàng tuần.

Số lượng buổi tập 3 buổi/tuần, thời gian là 90 phút ( có cán bộ đoàn, chi đoàn cán bộ giáo viên tham gia tổ chức, quản lý, hướng dẫn).

2. Tổ chức các loại hình câu lạc bộ chuyên ngành, câu lạc bộ sở thích.

Bao gồm các nội dung sau:

Thành lập, đưa vào hoạt động các Câu lạc bộ thể thao theo hình thức xã hội hoá.

Mục đích: Nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực của sinh viên là biết nhiều môn, giỏi một môn, nâng cao hiệu quả giờ học chính khoá, đạt được thành tích cao trong thi đấu tại các giải thi đấu của địa phương, của ngành tổ chức.

Nội dung:

Tuyên truyền nâng cao nhận thức về loại hình hoạt động thể thao ngoại khoá.

Bám sát sự chỉ đạo của Đảng Uỷ, Ban giám hiệu, thành lập Ban chủ nhiệm câu lạc bộ và các thành viên, có quy chế, chương trình hoạt động cụ thể.

Tổ chức các hoạt động ngoại khoá, góp phần hoàn thiện các nội dung học tập của giờ học chính khoá và rèn luyện các tiêu chuẩn rèn luyện thân thể.

Tổ chức xây dựng các câu lạc bộ thể thao toàn trường và tại các khoá học.

Tổ chức hướng dẫn các hoạt động tự tập luyện, rèn luyện thân thể.

Mở rộng và tăng cường các hoạt động thi đấu thể thao sinh viên, lôi cuốn đông đảo sinh viên tham gia cổ vũ. Xây dựng các đội tuyển và thi đấu thường xuyên.

Các đơn vị phối hợp chỉ đạo:

Các bộ môn là thường trực tổ chức, điều hành trực tiếp các Câu lạc bộ theo chuyên ngành. Đối với Câu lạc bộ cấp trường thì do đại diện Ban giám hiệu là chủ tịch, các phòng chức năng, Công Đoàn, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Ban quản lý sinh viên là thành viên.

Hình thức tổ chức tập luyện:

Thời gian tiến hành vào các buổi tối trong tuần.

Số lượng buổi tập 3 buổi/tuần, thời gian tập là 90 phút (như giờ học chính khoá, có giáo viên, huấn luyện viên trực tiếp phụ trách giảng dạy - huấn luyện).

Thành lập, đưa vào hoạt động các Câu lạc bộ sở thích.

Mục đích: Nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, sở thích của sinh viên, giảm bớt căng thẳng sau thời gian học tập lý luận, trang bị thêm kiến thức tổ chức môi trường văn hoá nghệ thuật lành mạnh - văn minh.

Nội dung:

Thành lập Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ, giao cho Đoàn thanh niên phụ trách.

Xây dựng nội quy, quy chế, chương trình hoạt động của các Câu lạc bộ phù hợp thời gian, điều kiện thực tiễn và sở thích của sinh viên.

Các đơn vị phối hợp thực hiện:

Đoàn thanh niên và Phòng Tổ chức - Công tác HSSV thường trực, thành viên là đại diện các phòng, khoa, ban, bộ môn và các đoàn thể xã hội trong nhà trường.

Hình thức tổ chức tập luyện:

Thời gian tiến hành vào buổi chiều các ngày thứ 2, thứ 4 và thứ 6 hàng tuần.

Số lượng buổi tập 3 buổi/tuần, thời gian tập là 90 phút (như giờ học chính khoá, có giáo viên trực tiếp phụ trách giảng dạy, huấn luyện).

3. Tổ chức các hoạt động thi đấu nghiệp vụ sư phạm, thi đấu giao lưu, các giải truyền thống toàn trường của các môn thể thao.

Mục đích: Tạo môi trường hoạt động thi đấu thường xuyên phong phú và đa dạng, giúp sinh viên tiếp cận với công tác tổ chức, điều hành, trọng tài một số giải thi đấu thể thao, qua đó nâng cao năng lực sư phạm, chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời tuyển trọn sinh viên vào các đội tuyển.

Nội dung:

Bám sát kế hoạch giảng dạy, học tập trong và ngoài trường, kế hoạch năm học và sự chỉ đạo của Đảng uỷ - Ban giám hiệu để xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động thi đấu hợp lý, hiệu quả.

Để việc tập luyện thi đấu thể thao của sinh viên trở thành nội dung của đời sống văn hoá thể thao mang tính thường xuyên, liên tục của sinh viên, nhà trường, bộ môn GDTC thường xuyên tổ chức các giải nghiệp vụ sư phạm, truyền thống hàng năm, giao hữu qua đó tạo sân chơi lành mạnh cho sinh viên.

Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các khoá, các lớp tổ chức các cuộc thi đấu nội bộ.

Hình thức tổ chức:

Tổ chức nhân dịp các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm của nhà trường và đất nước.

Tổ chức giữa các khoá, các lớp vào những ngày nghỉ ( thứ 7 và chủ nhật).

Nhóm giải pháp 5: nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ giáo viên TDTT.

Đây là nhóm giải pháp phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan. Tuy nhiên, ở trường có những thuận lợi nhất định như: Việc cử giáo viên đi học sau Đại học có các tiêu chuẩn cụ thể và được quy hoạch hàng năm, Lãnh đạo trường luôn tạo điều kiện cho Bộ môn GDTC- QP đi học, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn. Công tác quản lý TDTT ở trường đã được quan tâm và bước đầu đã có hiệu quả, sự phối hợp giữa các phòng ban chức năng khi thực thi công tác TDTT đã có sự phân công rõ ràng.

Xuất phát từ thực tế của trường, chúng tôi đưa ra các giải pháp sau:

1. Tăng cường sinh hoạt chuyên môn, tổ chức tập huấn.

2. Cử giáo viên đi học các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và học sau đại học, có kế hoạch tiếp nhận và bồi dưỡng giáo viên trẻ có trình độ lý luận và chuyên môn giỏi, có nhiệt tình ý thức trách nhiệm cao và có khả năng tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng, để thay thế kế cận đội ngũ giáo viên lớn tuổi, đáp ứng yêu cầu cần mở rộng và nâng cao chất lượng công tác GDTC và phong trào TDTT của nhà trường trong những năm tới.

III. KẾT LUẬN

Từ việc tìm hiểu đánh giá thực trạng công tác GDTC ở trường Đại học Hà Tĩnh chúng tôi có những kết luận sau:

Sinh viên trong trường đều được tham gia môn học GDTC trong các giờ học chính khoá, tuy nhiên chương trình học còn đơn điệu và chưa thật phù hợp, do đó chất lượng công tác GDTC của nhà trường còn nhiều hạn chế.

Các hoạt động ngoại khoá của sinh viên không được tổ chức thường xuyên chỉ mang tính tự phát, đặc biệt không có hoạt động ngoại khoá dưới hình thức câu lạc bộ thể thao. Các cuộc thi đấu không được tổ chức thường xuyên do đó không đáp ứng được yêu cầu tập luyện của các em.

Thiếu một cơ cấu tổ chức quản lý công tác GDTC và TDTT của nhà trường một cách hợp lý, cũng như những quy định về chức năng của các đơn vị trong nhà trường và hội thể thao cao đẳng và chuyên nghiệp về chức trách và nhiệm vụ đối với sự nghiệp phát triển công tác GDTC trong nhà trường. Các điều kiện cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo về cán bộ và kinh phí cho công tác GDTC còn nhiều khó khăn. Chưa có chính sách đãi ngộ thích hợp động viên cán bộ giáo viên và VĐV tham gia phong trào hoạt động TDTT cũng như phong trào tập luyện và thi đấu môn thể thao trong nhà trường.

Qua quá trình nghiên cứu chúng tôi đã lựa chọn được một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả giờ học GDTC cho sinh viên trường Đaị học Hà Tĩnh  Các nhóm giải pháp bao gồm:

Nhóm giải pháp 1: Tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tác dụng của TDTT.

Nhóm giải pháp 2: Cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo cơ chế và ứng dụng chính sách hợp lý, thoả đáng.

Nhóm giải pháp 3: Cải tiến phương pháp giảng dạy các môn trong chương trình GDTC.

Nhóm giải pháp 4: Xúc tiến tổ chức các hoạt động ngoại khoá cho sinh viên, xây dựng các câu lạc bộ thể thao và nâng cao chất lượng các đội tuyển thể thao.

Nhóm giải pháp 5: Nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ giáo viên TDTT.

IV. TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Nguyễn Kỳ Anh, Vũ Đức Thu (1994), “Những giải pháp thực thi nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng GDTC trong các trường Đại học”, Tuyển tập NCKH     TDTT, NXB TDTT, Hà Nội. 

2.    Phạm Đình Bẩm, Đặng Đình Minh (1998), Giáo trình quản lí TDTT (dùng cho Cao học TDTT) trường Đại học TDTT TW1, Bắc Ninh.

3.    Phạm Đình Bẩm, Đặng Đình Minh (1998), Giáo trình quản lí TDTT (dùng cho sinh viên Đại học TDTT), NXB TDTT, Hà Nội.

4.    Lê Bửu, Nguyễn Thế Truyền (1991), Lý luận và phương pháp TDTT.