In bài này
Chuyên mục: Sinh viên nổi bật
Lượt xem: 2089
         
         
           Những ngày hè đã qua đi từ lâu. Đâu đó các em sinh viên đang ổn định bước vào năm học mới với không ít những háo hức và lo toan lẫn lộn. Nhận được những cánh thư, những Email của bạn bè, tôi vừa cảm thấy vui vui nhưng cùng lúc cảm thấy chạnh lòng cho bao vất vả đang và sẽ đến với bạn bè các em sinh viên trong những ngày học xa nhà, bởi cách đây chưa lâu tôi củng đã hoàn thành chương trình học cao học tại một thành phố xa nhà.
 
            Là sinh viên, ai chẳng vui, khi đón năm học mới về, ai chẳng háo hức được trở lại với trường lớp, gặp lại thầy cô, bạn bè! Với những bạn năm đầu, lòng háo hức đó dường như được nhân lên gấp bội vì mong muốn biết những ngày đầu của mình ở giảng đường Đại học sẽ thế nào hay ai là những người bạn mới mình sẽ gặp. Vui nhiều và mong đợi cũng không ít vì những ngày tháng tới ở giảng đường sẽ là dịp giúp mình mở mang kiến thức, tìm đến với những hiếu biết, khám phá mới … Rồi, đối với những bạn trẻ từ tỉnh lẻ, ai chẳng trông mong một ngày nào đó mình sẽ có dịp được đến các thành phố lớn để học, để tìm cơ hội tiến thân Với những sinh viên trong nước, ai chẳng một lần mơ đến một ngày mình sẽ được đến với những chân trời xa lạ để có thể gặp gỡ, học tập cùng với bạn bè đến từ năm châu và đó củng là điều mơ ước lớn lao của sinh viên Lào tại trường Đại Học Hà Tĩnh.
 
                                                                    ​
 
          Nhưng cùng với những niếm vui, khát khao ấy, họ đón chờ năm học mới với không ít những băn khoăn, lo lắng. Ngoài thiếu vắng sự nâng đỡ của gia đình, đối với những sinh viên tỉnh lẻ hay những du sinh, họ còn phải đương đầu với những khó khăn khác trong môi trường mới; họ phải tự lo lấy cuộc sống của mình. Nào là phải tìm nơi ở, rồi lo tiền học phí, tiền thuê nhà … và bao nhiêu khoản lo khác. Dù gia đình họ có điều kiện về kinh tế đi nữa thì cũng rất khó lo cho họ mọi chuyện vì mức sống nơi gia đình họ ở và nơi họ học luôn cách nhau rất xa.
 
          Biết gia đình không thể lo đủ cho mình và để tự giúp mình trang trải các chi phí, ngay từ những ngày đầu của năm học, họ đã phải nghĩ tới chuyện tìm việc làm thêm ngoài giờ học. Nào đi dạy thêm tại tư gia, (thường được gọi là ‘gia sư’), làm tiếp thị (quảng cáo) các loại sản phẩm, làm bồi bàn tại các nhà hàng hay phụ việc tại các quán cơm hoặc đi bán báo, bán hàng tại các cữa tiệm … và nhiều lọai nghề khác không tên. Với những sinh viên này, vì phải bươn chải lo cho cuộc sống sinh viên của mình dường như họ không còn thời gian nghỉ ngơi, vui chơi nữa.
 
         Có những bạn Tết đến mà không dám về quê vì nếu về không những phải mất một khoản tiền lớn cho chuyện tàu xe, mà họ còn không thể làm thêm trong những ngày Tết để có tiền trang trải trong năm. Vì những tính toán ấy, họ đành nén lòng ‘đón’ Tết đến, ‘đón’ Năm mới về một cách hững hờ, buồn bã nơi xứ người. Có nhiều bạn khác, suốt đời sinh viên của mình, họ không biết thế nào là ‘hè’ … vì những ngày hè với họ là dịp duy nhất họ có thể tìm việc làm để kiếm tiền để chi trả học phí, tiền ăn, tiền nhà và những chi phí khác trong năm. Nhưng tìm được việc làm thêm và đặc biệt là những công việc thích hợp cho việc học của mình cũng không phải luôn dễ dàng. Do đó, họ có thể làm bất cứ nghề gi dù phải vất vả đến đâu miễn là có tiền để lo chuyện học, chứng kiến những mãnh đời đó tôi liên tưởng đến mình quá trình học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm giáo viên giáo dục quốc phòng an ninh với đồng liên ít ỏi của giáo viên thời điểm đó (85%2,34) lương giáo viên thử việc năm đầu tương đương 1,3 triệu thời điểm năm 2008, với 1,3 triệu phục vụ cho việc đi lại học hành trang trải cuộc sống tại TPHCM thật sự rất vất vả nếu như không được hỗ trợ nhiều của gia đình. Có thời điểm phải cầm chứng minh nhân dân, bằng lái xe để phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày.
 
       Có một bài hát sinh viên tôi rất thích nghe vì lời văn của nó rất gần gũi, rất mộc mạc, rất ‘sinh viên’ và cũng rất sâu đậm. Nó còn nhắc tôi nhớ lại những năm tháng rất nhiều kỷ niệm nhưng cũng rất vất vả của đời sinh viên của mình cũng như giúp tôi biết nghĩ nhiều đến bao bạn bè đâu đó đang phải bươn chải lo cho việc học của mình. Đó là bài hát ‘Bạn Tôi’ của Võ Thiện Thanh.
 
       Xin được mượn lời của bài hát này để gửi tới Bạn và bao sinh viên khác khi Bạn và các bạn đang chuẩn bị đón năm học mới về.“Bạn tôi sáng nhịn ăn lên giảng đường. Bạn tôi sáng đạp xe 20 cấy số. Thằng đi dạy thêm, đứa làm tiếp thị, thằng làm quán cơm, tối về một gói mì tôm. Tối về kể chuyện nhau nghe, chuyện buồn vui ngày tháng xa nhà. Tối về giọng Bắc – Trung – Nam, chia cùng điếu thuốc sớm chuyện vui buồn. Miền Tây nước lớn, đứng ngồi không yên, miền Trung lũ lụt suốt đêm không ngủ. Chúng tôi vào Đại học niềm vui chưa dứt, bao nỗi âu lo dáng Mẹ gầy hơn trước, tóc Ba thêm sợi bạc. Chiều nay tin bão phương xa, lòng con chua xót. Con chưa về, chưa về lòng thắt cơn đau”.
 
       Vâng, cũng như Bạn và bao sinh viên khác, tôi đã từng nếm trải những vất vả, những lo toan ấy của thời sinh viên. Tôi đã có những đêm thao thức không ngủ vì nhớ nhà, vì biết ruộng đồng ở quê nhà đang bị bão lụt hoành hành. Đã có những đêm, trên chiếc xe đạp cũ trong cơn mưa, bụng đói lã, tôi cố đạp đến những nhà tư làm gia sư. Rồi cũng có những năm, khi mọi người đang hớn hở trở về với mái ấm gia đình, quây quần bên nhau trong những ngày Tết, tôi đành nén lòng ‘đón’ Tết không người thân … Nhưng khi nhìn lại những năm tháng của đời sinh viên xa nhà ấy, tôi cảm thấy hình như những lo toan, vất vả ấy đã giúp mình trưởng thành, chín chắn hơn. Chắc chẳng bao giờ tôi cảm nghiệm được hay biết trân trọng việc học, hoặc những giờ phút rảnh rỗi nếu như mình đã không trải qua những khó nhọc, lo toan ấy. Hình như những vất vả và bao lo toan của đời sinh viên ấy cũng thôi thúc, khuyến khích tôi nhiều trong học tập. Nếu không có những ngày tháng vất vả đạp xe đâu đó vào những trưa hè nóng bức hay những đêm mưa ướt lạnh ở thành phố ấy, chắc chẳng bao giờ tôi có thể đi đến những miền đất lạ như ngày hôm nay.
Và so với cảnh của mình thời điểm đó và một số các sinh viên Lào chăm chỉ làm thêm tại Trường Đại Học Hà Tĩnh tôi thấy vất vả của mình chưa thấm vào đâu so với các bạn. Để trang trải cuộc sống, phụ giúp bố mẹ và trang trải chi phí học tập nhiều bạn sinh viên Lào đã đi tìm kiếm các việc làm thêm khác nhau như: thợ xây, phụ hồ, làm nhân viên quán ăn, quán nhậu và làm việc vặt tại TP. Hà Tĩnh một thành phố hiếm hoi công việc làm thêm cho sinh viên.
Gặp gỡ các bạn sinh viên Lào  Vong Thong xay và bạn kido lớp K7 xây dựng Trường Đại Học Hà Tĩnh làm thêm trong một dịp tình cờ chứng kiến cảnh các em sinh viên nhận công việc để kiếm thêm thu nhập hỗ trợ gia đình thầy và trò trường THPT Chất lượng cao Đại Học Hà Tĩnh cảm thấy khâm phục nghị lực của các bạn.
Với đôi tay thoăn thoắt và rắn rõi hai bạn kiên trì cần mẫn với công việc của mình, quan sát khối lượng công viêc và những dòng mồ hôi nhễ nhãi lăn dài trên má cùng chiếc áo ướt đẫm mồ hôi của hai bạn làm chúng tôi cảm thấy chạnh lòng.
 
                                            Thong Vong Xay, Kido K7 Xây dựng ( Đại học Hà Tĩnh )
 
      không ai bảo ai giờ ra chơi thể dục giữa giờ các em học sinh khối 10 THPT Chất lượng cao Đại học Hà Tĩnh ùa vào giúp đỡ hai anh sinh viên Lào, với đôi vai nhỏ bé song sự phối hơp phân công hợp lý các bạn luân phiên thay nhau xúc rác lên xe rác, đồng hành cùng nhau đẩy xe về vị trí đổ trong tiếng reo hò phấn khích.
      Quan sát các em học sinh THPT giúp đỡ sinh viên Lào bản thân tôi nhận thấy đâu đótừ trong sâu thẳm trái tim các em có sự chia sẽ lớn lao và ý thức giúp đỡ cộng đồng. Tuy còn nhỏ song với lứa tuổi 16 các em học sinh THPT cũng đã làm được nhiều việc cho gia đình và đăc biệt hơn các em nhìn thấy sự vất vả của việc kiế kế sinh nhai để tiếp tục học tập. Lần lượt những chiếc xe cò, xe xúc rác được các em linh hoạt tận dụng để vận chuyển rác về vị trí yêu cầu.
 
 
                                                               Học sinh lớp 10 Toán giúp đỡ sinh viên Lào lúc nghỉ giờ ra chơi 
 
        Reng....reng....reng! Tiếng chuông báo thời gian nghỉ giữa giờ đã hết, quan sát các em sư tiếc nuối trên khuôn mặt vì khối lượng công việc chỉ mới giải quyết được 1/3, chào các anh bạn sinh viên Lào để vào học tiết tiếp theo mà như có sự quyến luyến, tiếng cảm ơn rối rít bằng tiếng việt của các anh sinh viên Lào kèm hành động đẹp mua nước cho các em học sinh THPT uống đã để lại trong tôi và các em những cảm xúc đẹp.
        Bản thân tôi nhận thấy rằng tuy chỉ khoảng thời gian rất ngắn song các em THPT cũng đã mang lại nhiều ấn tượng đẹp cho các anh sinh viên Lào về tinh thần tương thân tương ái đoàn kết lẫn nhau và tôi cảm thấy đây là hoạt động trải nghiệm quý giá của các em học sinh khối 10 THPT ĐHHT, chỉ tiếc rằng trong lúc vội vã vào tiết thầy và trò không kịp ghi lại khoảnh khắc đẹp cùng các bạn sinh viên Lào.
         Viết gửi Bạn và bao bạn trẻ khác một vài chia sẻ khi các bạn chuẩn bị đón năm học mới về và cuộc sống, công việc làm thêm của du học sinh nói chung và sinh viên Lào nói riêng. Chúc Bạn và bao sinh viên xa nhà khác thật nhiều niềm vui, nhiều thành công trong năm học này. Ước chi những ngày tháng trên giảng đường Đại học của Bạn và của những sinh viên cùng cảnh ngộ là những tháng ngày đẹp nhất, nhiều kỷ niệm khó quên nhất, mặc cho bao vất vả, khó nhọc mà cuộc sống sinh viên xa nhà ít hay nhiều có thể đến với Bạn và những bạn bè cùng chung một hoàn cảnh như Bạn.